Màu đen luôn gợi lên cảm giác bí ẩn lẫn sợ hãi. Tuy nhiên, trong vô số loài thực vật, có không ít “báu vật” màu đen rất giàu dưỡng chất và rất… đáng yêu! Bạn không thể bỏ qua một số loại được đề cập dưới đây, trong quá trình làm đẹp cơ thể và bảo vệ sức khỏe.







Mộc nhĩ đen
Protein trong mộc nhĩ đen không hề thua kém các loại thịt và cao hơn hẳn so với gạo, bánh mì. Trong đó, hàm lượng vitamin B2 cao gấp10 lần gạo, bánh mì và bắp cải, gấp 5 lần thịt heo, thịt bò và thịt dê. Hàm lượng sắt cao gấp100 lần so với thịt, calci cao gấp 30 - 70 lần so với thịt, cùng một lượng photpho mà các thực vật thông thường không có. Về cơ năng sinh lý, mộc nhĩ đen có công hiệu cản trở hiện tượng đông máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch vành, ngăn ngừa hình thành huyết khối, có lợi cho sức khỏe tim mạch và huyết quản. Ngoài ra, mộc nhĩ đen còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính rất tốt cho da.

Đậu đen

Trong đậu đen có hàm lượng acid amin phong phú, rất dễ được cơ thể người hấp thu và vận dụng, phù hợp với tiêu chuẩn “protein cao cấp” theo quy định của Cục Quản lý dược liệu – thực phẩm Mỹ. Hàm lượng lipid trong đậu đen đạt đến 18%, nhưng phần nhiều là acid linoleic không bão hòa, nên bạn không cần lo lắng đến vấn đề tăng cân. Ngoài ra, đậu đen còn chứa 5% hàm lượng chất xơ, giúp dễ bài tiết. Đồng thời, với lượng vitamin E, B phong phú, giúp hỗ trợ tốt cho sự đàn hồi của da, khó bị nếp nhăn. Đặc biệt là anthocyanin, một loại hợp chất màu hữu cơ chỉ riêng có riêng ở đậu đen, có thể ngăn ngừa quá trình oxy hóa, làm tươi sáng và chống lão hóa cho da.
Mè (vừng) đen
Chắc hẳn, nhiều chị em không còn xa lạ với công hiệu dưỡng tóc của mè đen. Tuy nhiên, ngoài công hiệu này ra, loại hạt này còn có chức năng kiện gan và chống oxy hóa rất tốt. Điểm khác biệt giữa mè đen với mè trắng chính là tính chống oxy hóa nằm ở lớp vỏ mè đen. Đây là một loại vật chất sắc tố đen hữu cơ, bên trong có chứa các loại polyphenol và tannic, giúp bảo vệ tế bào da hữu hiệu.

Gạo nếp than

Hàm lượng protein, lipid, chất xơ, kali, photpho, sắt, kẽm, vitamin A, E, B1, B2, B6, C… trong gạo nếp than rất hữu ích cho việc bảo vệ da, thần kinh và chống oxy hóa. Các loại dưỡng chất kể trên trong loại gạo này cao hơn rất nhiều rất nhiều so với gạo nếp trắng.
Táo đen
Táo đen có tính ấm, giàu glucoze, acid hữu cơ, vitamin B, E, photpho, calci, sắt…, giúp phụ nữ bổ khí, dưỡng huyết, duy trì tổ chức tế bào da, tăng cường sức sống, sáng mắt, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Vì vậy, người ta ví táo đen như một “kho dinh dưỡng” là hoàn toàn khá chính xác.
Phương Lê (tạp chí Bầu)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn