Du lịch Cô Tô - Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nằm trên đỉnh cao 101m của đảo Cô Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, Hải đăng Cô Tô có lẽ là một trong những ngọn hải đăng có tầm nhìn đẹp nhất, bởi đứng trên đỉnh núi giữa một hòn đảo, nên bốn phía là biển xanh, gần là núi, xa là đảo, xa hơn nữa về phía đất liền, hiện lên những dãy núi uốn lượn.

Trạm Hải đăng Cô Tô là 1 trong số hơn 30 “con mắt biển đêm” đang hoạt động trên khắp vùng lãnh hải Việt Nam. Huyện đảo xinh đẹp Cô Tô ngoài nét hoang sơ, lãng mạn của biển ngọc tinh khôi, còn tự hào có ngọn hải đăng – “con mắt đêm” dẫn đường cho bao lượt tàu thuyền qua lại vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Với vị trí quan trọng của mình, ngọn hải đăng Cô Tô như một nét chấm phá, là điểm đến lý tưởng trong tour du lịch ra đảo.

Đèn hải đăng có chiều cao tầm sáng 118m so với mặt nước biển. Trên đỉnh ngọn hải đăng, phóng tầm mắt ra xa, có thể chiêm ngưỡng không gian khoáng đạt cùng vẻ đẹp bất tận thiên nhiên ban tặng cho “hòn ngọc xanh” Cô Tô. Bằng ấy những cảnh vật hiện ra trước mắt, bao la, choáng ngợp, hứng trọn không khí yên bình của miền biển đảo Phương Bắc, đó là những trải nghiệm không thể bỏ qua, khi du khách tới thăm đảo ngọc Cô Tô.

Trạm hải đăng ở Cô Tô. ( Ảnh: Internet )
Được chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1961, khác với ngày trước, giờ đây những người thắp đèn biển không còn phải chèo thuyền nan đi đốt đèn biển bằng dầu hoả. Đèn biển đã được đầu tư chiếu sáng bằng pin năng lượng mặt trời; có hệ thống tự động, bán tự động điều khiển.

Hiện đảo Cô Tô chưa có điện lưới, mà chỉ có điện chạy bằng máy phát nên ban ngày hầu như họ không dám xem ti vi. Nơi đảo xa, báo thường ra chậm 3-4 ngày, thậm chí, mùa biển động, chậm 1 tuần là chuyện hết sức bình thường. Do ở trên núi cao, cách xa khu dân cư nên thức ăn cũng chỉ toàn đồ khô… Nhưng khổ nhất là chuyện nước sinh hoạt. Đảo đã khan hiếm nước, các anh lại ở trên đồi cao thì còn khan hiếm hơn. Các anh phải tận dụng lan can của đèn biển hoặc mái nhà để hứng nước mưa.

Vì vậy, đến hải đăng Cô Tô, ngoài việc thu vào tầm mắt quang cảnh tuyệt đẹp của một vùng đảo, biển còn hoang sơ, thanh bình, bạn sẽ có dịp khám phá phương pháp hứng nước mưa – tận dụng lan can đèn biển “không nơi nào có” của các chiến sĩ tại đây. Đó cũng là lý do khi khám phá 72 bậc thang của ngọn tháp này, bạn phải đi chân trần để không làm bẩn nước mưa. Hằng ngày, ở nơi đầu sóng ngọn gió họ phải đối mặt với nhiều khó khăn từ chuyện ăn uống, sinh hoạt cá nhân và cả nhu cầu giải trí.

Có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Cô Tô trên ngọn hải đăng. ( Ảnh: Internet )
Nếu như Trạm Hải đăng sừng sững, hiên ngang trên đảo là biểu tượng khẳng định chủ quyền đất nước thì ánh sáng ngọn đèn được ví như “linh hồn” để những con tàu vươn mình căng buồm rẽ sóng ra khơi, hoạt động trong vùng an toàn.

Vị trí: Nằm trên đỉnh cao 101m của đảo Cô Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Toạ độ: Vĩ độ : 20o 59′ 58″ N, Kinh độ : 107o 45′ 10″ E

Tác dụng: Báo vị trí đảo Cô Tô. Đèn độc lập, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển vịnh Bắc Bộ, định hướng và định vị. Năm đưa vào hoạt động: 1961

1. Đặc điểm nhận biết ban ngày:

– Hình dạng : Tháp đèn hình trụ, công trình hình khối hộp.
– Màu sắc : Tháp đèn và công trình màu vàng.
– Kích thước cơ bản :
– Chiều cao toàn bộ : 117,5m (tính đến “số 0 hải đồ”)
– Chiều cao tâm sáng : 116,0m (tính đến “số 0 hải đồ”)
– Chiều cao công trình : 16,0m (tính đến nền móng công trình)
– Chiều rộng trung bình : 3,4m (đối với tháp đèn)
– Tầm nhìn địa lý : 27 hải lý với chiều cao mắt người quan sát bằng 5 m.

2. Đặc tính ánh sáng ban đêm:

– ánh sáng trắng, chớp nhóm (2+1) chu kỳ 12 giây – Ch.Tr.Nh(2+1).12s
– Phạm vi chiếu sáng : 360o
– Tầm hiệu lực ánh sáng : 15 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển t=0,8.