<p>
Nếu chuyển động ở bé trở nên chậm hoặc đột ngột dừng hẳn, mẹ phải đi khám ngay lập tức
</p>
<p style="text-align: center;">

</p>
<p>
<p><strong><em>1. ‘Làm sao để đếm chính xác những chuyển động của bé?’</em></strong></p>
<p>– Việc đếm cử động của thai bao gồm: những cú đá, sự quay tròn, dướn người, cuộn và thọc mạnh, không tính đến nấc. Các chuyên gia khuyến cáo, người mẹ nên căn thời gian để đếm đủ 10 chuyển động (kể trên) ở bé. Nếu thai khỏe mạnh, người mẹ có thể đếm được 10 cử động của bé trong vòng một tiếng. Phần lớn các bé hoàn thành 10 cử động trong vòng 30 phút. Nếu 10 lần chuyển động của bé không xuất hiện trong một tiếng, thai phụ cần đi khám.</p>
<p><strong><em>2. ‘Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tần suất máy chuyển động của thai?’</em></strong></p>
<p>Những yếu tố ảnh hưởng đến tần suất thai máy bao gồm:</p>
<p>– Người mẹ mắc chứng tiểu đường / huyết áp cao / chứng bệnh về thận (hoặc tim mạch).</p>
<p>– Mang song thai / đa thai.</p>
<p>– Trục trặc ở nhau thai.</p>
<p>– Có tiền sử thai chết non.</p>
<p>– Đa ối / thiểu ối.</p>
<p>– Bào thai phát triển bất thường.</p>
<p><strong><em>3. ‘Thời điểm nào nên đếm số lần thai chuyển động?’</em></strong></p>
<p>Mẹ có thể đếm thai chuyển động một lần mỗi ngày, vào lúc bé hiếu động nhất: thường là sau bữa ăn; sau khi mẹ luyện tập hoặc vào buổi tối. Khoảng tuần 24-26 của thai kỳ, mẹ cần bắt đầu đếm số lần thai chuyển động mỗi ngày. Một số trường hợp, thai máy chậm, công việc trên có thể bắt đầu từ tuần thứ 28.</p>
<p><strong><em>4. ‘Có phải bé sẽ chuyển động ít đi vào cuối thai kỳ?’</em></strong></p>
<p>– Vào cuối thai kỳ, chuyển động của bé có sự thay đổi, ít những cú đá và tăng cử động cuộn. Lúc này, việc đếm tần suất thai chuyển động vẫn cần được duy trì như ở giai đoạn trước.</p>
<p><em><strong>5. ‘Nếu thai chuyển động ít, tôi sẽ được kiểm tra bằng phương pháp nào?’</strong></em></p>
<p>Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng thai máy bằng những cách sau:</p>
<p>– Siêu âm: Hình ảnh, kết quả siêu âm sẽ cho biết tình trạng phát triển của thai, mực nước ối, nhau thai…</p>
<p>– Non stress test (NST): Thông qua đo tim thai, bác sĩ sẽ biết được chuyển động của thai.</p>
<p>– Biophysical profile (BPP): Siêu âm, kết hợp với NST, giúp đánh giá nhịp tim thai, nhịp thở, chuyển động của thai và mực nước ối.</p>
<p>– Contraction stress test (CST): Đo phản ứng của tim thai với cơn co tử cung.</p>
<p></p>
<p><strong>Các gợi ý trong quá trình đếm thai máy:</strong></p>
<p>– Mẹ nằm nghiêng về bên trái, bên phải hoặc tư thế nào dễ chịu nhất.</p>
<p>– Mẹ có thể ăn hoặc uống thứ gì đó trước khi tiến hành đếm số chuyển động của bé. Nên uống một cốc nước hoa quả tươi vì lượng đường tự nhiên trong hoa quả sẽ kích thích bé vận động mạnh mẽ hơn.</p>
<p>– Bé có xu hướng “nhào lộn” nhiều hơn nếu mẹ đi vòng vòng một chút trước khi tiến hành kiểm tra tần suất thai máy.</p>
<p>– Tuyệt đối tránh xa khói thuốc. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, khói thuốc sẽ khiến bé kém hoạt động, kéo dài đến 90 phút sau đó.</p>
<p>– Không thấy bé chuyển động, mẹ có thể đặt nhẹ tay lên bụng bầu và im lặng quan sát cử động của con. Nhiều người mẹ chia sẻ, khi họ nói chuyện với bé, bé sẽ “im re” nhưng khi họ im lặng, bé bắt đầu hăng hái “đạp”. Nhưng cũng có khi được mẹ hỏi chuyện, bé sẽ phản ứng bằng cách “quẫy quẫy” mấy cái trong bụng mẹ, bởi vì bé đã cảm nhận và lắng nghe được giọng nói của mẹ.</p>
<p>Có thể giờ giấc của bé trái ngược với giờ sinh hoạt của mẹ: có khi bé “đạp mẹ” suốt cả đêm và ngủ vào buổi sáng; tuy nhiên, cũng có bé hoạt động vào ban ngày và ngủ theo mẹ về ban đêm. Hôm nay, bé thích “đạp mẹ” vào ban đêm nhưng đến ngày mai, bé lại “quấy” nhiều vào ban ngày. Do lịch chuyển động của bé khá linh hoạt nên việc đếm thai máy chỉ mang tính chất tương đối.</p>
<p>Nếu chuyển động ở bé trở nên chậm hoặc đột ngột dừng hẳn, mẹ nên đi khám. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe của bé bằng cách nghe nhịp tim thai.</p>
</p>

<div>
<div>


[IMG]/images/btn-share2.png[/IMG]

</div>




<div data-size="medium" data-annotation="inline" data-width="120" style="float: left"></div>
<div data-href="http://bau.vn/bau/tin-32246/5-cau-hoi-khi-dem-chuyen-dong-cua-thai.html" data-width="150" data-layout="standard" data-action="like" data-show-faces="true" data-share="true" style="float: left"></div>
</div>

<div style="clear:both"></div>
<p style="text-align:right; color:#BBBBBB; font-style:italic; margin-bottom:10px;">Nguồn Sức Khỏe Đời Sống</p>

Theo bau.vn