Bố mẹ lùn thì con cái sinh ra cũng lùn hay cứ cho con ăn thật nhiều thì bé sẽ cao

Đọc thêm:


1. Bố mẹ lùn thì con sinh ra “ắt phải” lùn

Lướt thử các diễn đàn như lamchame hay webtretho, bạn sẽ thấy không ít bà mẹ kêu ca rằng họ lo lắng vì cả hai bố mẹ đều lùn và con họ cũng đang có dấu hiệu lùn hơn so với các bạn cùng lứa. Từ đó sinh ra tâm lý chán nản cho không ít người làm cha mẹ.

Theo TS.BS. Cao Thị Hậu, Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ như: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, luyện tập thể dục thể thao và tình trạng bệnh tật. Trong số này, yếu tố di truyền có tính cố định, không thể thay đổi nhưng các yếu tố khác lại có tác động mạnh mẽ và cũng có ảnh hưởng không kém đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Một đứa trẻ dù thừa hưởng chiều cao di truyền tốt của bố mẹ nhưng nếu sống trong môi trường thường xuyên bị ô nhiễm, lại không được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hợp lý sẽ dễ bị bệnh tật và khó có thể phát triển chiều cao được một cách tối ưu.

Ngược lại, nếu các bậc cha mẹ tạo môi trường sống cho con thật tốt (trong lành, không khói thuốc lá…), khuyến khích trẻ có thói quen tích cực vận động cộng với khẩu phần ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày thì dù bạn có thấp, con bạn vẫn có thể cao được.

Nhất là khoa học hiện nay đã chứng minh, chiều cao của trẻ bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nằm trong bào thai. Do đó, các bậc cha mẹ nên chú ý tới dinh dưỡng cho bé một cách đầy đủ và hợp lý nhất ngay từ giai đoạn thai kì.

2. Chiều cao của trẻ đến tuổi dậy thì mới cần quan tâm.



Bé phát triển chiều cao khi còn là bào thai.

Thực tế, ngay từ lúc nằm trong bụng mẹ, chiều dài của thai nhi đã có ý nghĩa quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt lúc trưởng thành.

Mỗi bà mẹ cần biết rằng: Sự phát triển chiều dài của trẻ bắt đầu từ rất sớm, ngay từ những tuần đầu của bào thai. Chiều dài thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ, trong đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần 34 của thai kỳ. Chiều dài của thai nhi có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt tới lúc trưởng thành. Bởi vậy muốn con cao, ngay từ trước và trong khi mang thai, người mẹ cần phải bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tạo điều kiện phát triển tối ưu cho con sau này.

Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh, khi bé 1 tuổi, chiều cao gấp rưỡi lúc mới sinh. Trong năm đầu trẻ tăng trung bình 25 cm (chiều cao trung bình 75cm), năm thứ 2 tăng 10 cm (trung bình 85 – 86cm). Sau đó cho đến đến 10 tuổi mỗi năm tăng 5 cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì, trẻ lớn rất nhanh, trung bình trẻ nữ tăng 6cm/năm (9 – 11 tuổi), trẻ nam tăng 7cm/năm (12 – 14 tuổi). Khi đến tuổi dạy thì (12 – 13 tuổi đối với nữ, 15 – 16 tuổi nam) thì sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1 – 2 cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ khoảng 23 tuổi, nam 25 tuổi.

Ngoài ra, sau khi ra đời, trong năm đầu tiên, chiều cao trẻ phát triển nhanh, có thể gấp rưỡi lúc mới đẻ. Nếu trong năm này, trẻ bị đau ốm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc tăng tầm vóc. Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ giai đoạn 2 năm đầu tiên rất quan trọng, mang tính quyết định. Nếu hai tuổi, trẻ vẫn ở dạng thấp còi thì sau này, dù can thiệp nhiều cách, bé cũng rất khó đạt chiều cao tối đa.

3. Ép trẻ ăn nhiều là trẻ sẽ cao lớn, khỏe mạnh


Những giai đoạn phát triển chiều cao.

Hiện nay, có rất nhiều ông bố bà mẹ thường xuyên bắt ép con mình phải ăn càng nhiều càng tốt vì có như vậy, trẻ mới có thể cao lớn, khỏe mạnh được. Tuy nhiên, theo TS.BS. Cao Thị Hậu: không nên ép trẻ ăn quá nhiều vì lâu dài có thể khiến trẻ sợ ăn, biếng ăn thậm chí là ảnh hưởng về tâm lý của trẻ sau này. Bữa ăn hàng ngày của trẻ cần có đầy đủ các nhóm thức ăn gồm chất đạm (thịt, cá), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), tinh bột (các loại ngũ cốc) và nhóm giàu vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả). Có thể bổ sung từng đợt cho trẻ những sản phẩm cung cấp thêm các dưỡng chất thường thiếu hụt từ khẩu phần ăn hàng ngày.

Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý về quá trình chế biến thức ăn để đảm bảo giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm. Khi nấu nướng, cần tạo màu sắc và hương vị cho thức ăn để kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn. Nếu trẻ không ăn được nhiều, bố mẹ nên cho trẻ ăn chia ra làm nhiều bữa. Không nên quát mắng, dọa nạt nếu trẻ không ăn được nhiều. Ngoài ra, bạn cũng nên theo dõi thường xuyên cân nặng và chiều cao của trẻ. Nếu có vấn đề bất thường, bạn nên cho trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị sớm nhất.