1/ Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài
Có nhiều khái niệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng trong đó khái niệm được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là khái niệm do quỹ tiền tệ quốc tế IMF đưa ra. Định nghĩa đó cho rằng:
FDI là số vốn đầu tư được thực hiện để thu được lợi ích lâu dài trong một doanh nghiệp đang hoạt động trong một nền kinh tế khác với nền kinh tế của nhà đầu tư. Ngoài mục đích lợi nhuận, nhà đầu tư nhà đầu tư còn mong được chỗ đứng trong doanh nghiệp và mở rộng thị trường.
Như vậy định nghĩa này đã tập trung nhấn mạnh vào hai yếu tố chính là: tính lâu dài của hoạt động đầu tư và đặc biệt là sự tham gia vào quản lý hoạt động đầu tư, nhằm phân biệt với hoạt động đầu tư chứng khoán cũng rất phổ biến trong đầu tư hiện đại. Cũng có thể thấy rằng định nghĩa này đã nhấn mạnh động cơ đầu tư và phân biệt đầu tư FDI với đầu tư gián tiếp.
Trong đó đầu tư gián tiếp có đặc trưng cơ bản là nhằm thu được lợi nhuận từ việc mua bán các tài khoản tài chính từ nước ngoài, các nhà đầu tư không quan tâm đến quá trình quản lý doanh nghiệp, mà họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế nhiều hơn. Với FDI, các nhà đầu tư vẫn giành quyền kiểm soát các quá trình quản lý.
Các quan niệm và định nghĩa về FDI được đưa ra tuỳ theo góc độ nhìn nhận của các nhà kinh tế nên rất phong phú và đa dạng. Qua đó ta có thể rút ra định nghĩa chung nhất về FDI đó là:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp nhận để hợp tác với Việt Nam hoặc tự mình kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài
2/ Các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài
Ở nước ta, từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua năm 1987, và đã được sửa đổi bổ sung 4 lần, lần đầu vào 6/1990, lần thứ hai vào tháng 12/1992, lần thứ ba vào tháng 11/1996 và lần thứ tư vào tháng 5/2000 theo hướng ngày càng thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào Việt Nam.
Theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp nhận để hợp tác với Việt Nam hoặc tự mình kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài thể hiện qua các hình thức chủ yếu sau:
– Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh
– Doanh nghiệp liên doanh
– Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
a/ Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh
Đây là một hình thức đầu tư trực tiếp trong đó hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết giữa hai hay nhiều bên ( gọi các bên hợp tác kinh doanh ) để tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh, trong đó quy định trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên tham gia mà không cần thành lập xí nghiệp liên doanh và pháp nhân.
Mỗi bên vẫn hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập của mình và mỗi bên thực hiện nghĩa vụ của mình ghi trong hợp đồng. Kết quả hoạt động phụ thuộc vào sự tồn tại và thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên hợp doanh.
Luật còn quy định thêm trong quá trình hoạt động kinh doanh, bên Việt Nam nộp thuế cho doanh nghiệp trong nước, bên nước ngoài nộp thuế theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể kết thúc trước thời hạn nếu thỏa mãn đủ các điều kiện ghi trong hợp đồng. Hợp đồng cũng có thể được kéo dài khi có sự đồng ý của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài
b/ Doanh nghiệp liên doanh
Đây là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó pháp nhân mới được thành lập gọi là doanh nghiệp liên doanh. Doanh nghiệp mới này do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký kết giữa chính phủ nước CHXHCH Việt Nam và chính phủ nước ngoài.
Doanh nghiệp liên doanh cũng có thể được thành lập do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Nhằm tiến hành các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, pháp nhân mới thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó phần góp vốn của nước ngoài không hạn chế mức tối đa, nhưng mức tối thiểu theo quy định của luật không dưới 30% vốn pháp định.
Mỗi bên tham gia vào doanh nghiệp liên doanh là một pháp nhân riêng. Nhưng doanh nghiệp liên doanh là một pháp nhân độc lập với các bên tham gia. Khi các bên đã đóng góp đủ số vốn quy định vào bên liên doanh thì dù một bên có phá sản, doanh nghiệp liên doanh vẫn tồn tại.
Số người tham gia hội đồng quản trị lãnh đạo của doanh nghiệp phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn. Hội đồng quản trị là cơ quan cao nhất lãnh đạo liên doanh. Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí đối với vấn đề quan trọng như : duyệt quyết toán thu chi hàng năm và quyết toán công trình, sửa đổi bổ sung điều lệ doanh nghiệp, vay vốn đầu tư, bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thứ nhất và kế toán trưởng… Lợi nhuận và rủi ro của doanh nghiệp liên doanh này được phân chia theo tỷ lệ góp vốn của mỗi bên trong vốn pháp định.
Luật đầu tư nước ngoài Việt Nam còn quy định thời gian hoạt động của liên doanh thông thường 30 năm đến 50 năm, trong trường hợp đặc biệt không quá 70 năm.
c/ Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài
Đây là doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, được hình thành bằng toàn bộ vốn nước ngoài do tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thành lập, tự quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp này được thành lập dưới dạng các công ty trách nhiệm hữu hạn, là pháp nhân Việt Nam và chịu sự điều chỉnh của luật đầu tư Việt Nam.
Vốn pháp định cũng như vốn đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài đóng góp, vốn pháp định ít nhất bằng 30% vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Ngoài ra, luật đầu tư nước ngoài Việt Nam cũng quy định thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể được đầu tư theo các phương thức đặc biệt như doanh nghiệp chế xuất, hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh ( BTO ), hợp đồng xây dựng – chuyển giao ( BT )…
d/ Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao
Là một phương thức đầu tư trực tiếp được thực hiện trên cơ sở văn bản được ký kết giữa nhà đầu tư nước ngoài ( có thể là tổ chức, cá nhân nước ngoài ) với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam để xây dựng kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định, hết thời hạn, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nhà nước Việt Nam.
Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao thường được thực hiện bằng vốn nước ngoài và phần vốn góp của chính phủ Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam. Trong hình thức đầu tư này, các nhà đầu tư có toàn quyền tổ chức xây dựng, kinh doanh một công trình đủ thời gian thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lý, sau đó có nghĩa vụ chuyển giao cho nhà nước Việt Nam mà không thu bất kỳ khoản tiền nào.
e/ Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh
Là phương thức đầu tư dựa trên văn bản ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công trình cho nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam sẽ giành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.
f/ Hợp đồng xây dựng – chuyển giao
Là một phương thức đầu tư nước ngoài trên cơ sở văn bản ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công trình đó cho nhà nước Việt Nam, chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.
h/ Doanh nghiệp chế xuất
Là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu được thành lập và hoạt động theo quy định của chính phủ.
Trên đây là các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài phổ biến ở các nước phát triển hiện nay. Chúc các bạn học tập tốt!
Xem thêm: đề tài quản trị kinh doanh, các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, phân tích định lượng