Tiến sĩ Hoa Hồng lưu ý với những thai phụ khi bị đau dạ dày nếu muốn sử dụng thuốc việc trước tiên phải đi thăm khám bác sĩ để biết được mức độ cơn đau và sự phát triển của thai nhi





Nếu phải đối diện với cơn đau dạ dày sẽ làm cho thai phụ cảm thấy mệt mỏi hơn, chán ăn hơn. Phải dùng thuốc gì và chọn chế độ ăn như thế nào vẫn là nỗi lo của nhiều thai phụ mắc bệnh dạ dày.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hoa Hồng cho biết: Với những người bị đau dạ dày, việc suy nghĩ nhiều, lo lắng, căng thẳng sẽ làm bệnh càng tiến triển hơn. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai khi nghén sẽ chịu những cơn đau dạ dày hành hạ nhiều hơn do hiện tượng nôn mửa làm dạ dày co bóp mạnh. Việc sử dụng thuốc dạ dày khi mang thai thường được các bác sĩ khuyến cáo hạn chế sử dụng. Lựa chọn chế độ ăn một cách khoa học, hợp lý là cách tốt nhất để chống lại bệnh dạ dày khi mang thai.
Sử dụng thuốc
Tiến sĩ Hoa Hồng lưu ý với những thai phụ khi bị đau dạ dày nếu muốn sử dụng thuốc việc trước tiên phải đi thăm khám bác sĩ để biết được mức độ cơn đau và sự phát triển của thai nhi. Sau khi thăm khám, nếu thấy cơn đau dạ dày nhiều, nặng bác sĩ sẽ cho điều trị bằng thuốc thích hợp. Điều trị ban đầu có thể sử dụng các thuốc kháng axit, nếu không giảm thì sử dụng các kháng thụ thể H2 là hai loại thuốc có thể sử dụng trong thai kỳ. Việc uống thuốc, thai phụ phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ: đúng thuốc, đúng thời gian và đúng liều lượng. Một số thuốc chống đau dạ dày thuộc nhóm Metronidazol và Tetracylin chỉ dùng cho người bình thường, thai phụ chống chỉ định với loại thuốc này. Các thuốc Gastropulgite và Phosphalugel giảm cơn đau dạ dày được sử dụng trong thai kỳ nhưng việc sử dụng thuốc phải tuân theo quy định của bác sĩ điều trị.
Ăn gì?
Khi bị đau dạ dày, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị, làm giảm tác động của axít tiết ra trên niêm mạc dạ dày, giúp bệnh mau hồi phục. Khi bị dạ dày, bà bầu không cần phải kiêng khem quá. Quan trọng là ăn như thế nào cho đúng, giúp thai phụ không đau mà có thể chữa khỏi bệnh. Vì vậy, bạn hãy quan tâm đến bữa ăn, đừng để bụng quá đói hay quá no, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
Trọng tâm của dinh dưỡng trong điều trị dạ dày khi mang thai là dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của axít tiết lên niêm mạc dạ dày để tránh những cơn đau. Thực phẩm thích hợp là sữa và trứng, chúng vừa giàu chất dinh dưỡng, vừa trung hoà được lượng axit trong dạ dày. Ngoài ra, ăn các chất ngọt, chất béo là những chất ít gây tiết dịch. Các thức ăn mềm, luộc chín, hầm nhừ như: cháo, cơm, bánh chưng, khoai tây, thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om, súp, bánh mỳ, bơ, pho mát… đều thích hợp cho thai phụ bị dạ dày.
Kiêng gì?
Với những bà bầu bị dạ dày Tiến sĩ phạm Thị Hoa Hồng khuyên hạn chế sử dụng các đồ ăn như sau:
- Đồ ăn chua : Canh chua, dấm, mẻ, tai chua, sữa chua,... những thực phẩm giàu axit này làm tăng tiết dịch, tạo nên những cơn đau dạ dày.
- Đồ ăn, uống có tính kích thích: hành, tỏi, ớt, hạt tiêu, tương ớt, đồ uống có gas,… cũng không có lợi cho dạ dày.
- Thực phẩm tạo hơi: các loại đậu đỗ, dưa muối, hành muối, cà muối,…
- Thức ăn tăng tiết axít: Nước sốt thịt, cá đậm đặc, thức ăn mặn,…
- Thức ăn chế biến sẵn: Thịt hộp, giăm bông, lạp xưởng, xúc xích, thịt hông khói… các món ăn này không có lợi cho đường tiêu hóa của bạn, đặc biệt với bà bầu bị dạ dầy lại càng phải hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn để tránh các cơn đau dạ dày.
- Các loại quả: Chuối tiêu, cam, quýt, khế, sấu, táo,… Ăn những quả này làm axit trong dạ dày tăng lên, làm tì vị khó chịu, ợ chua, gây rối loạn chức năng của dạ dày và đường ruột. Riêng chuối tiêu ăn vào sẽ có cảm giác đầy bụng, khó tiêu làm tổn thương đến dạ dày.
Không nên dùng những thức ăn rán, chiên, muối, trộn nộm vì chúng khó tiêu hóa, đọng lại trong dạ dày lâu, tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Không nên ăn những thức ăn sống, lạnh, mất vệ sinh, thức ăn đã biến chất.
Chú ý
Để có một kết quả tốt nhất trong việc ăn uống để điều trị bệnh dạ dày, bà bầu phải tuân theo các quy định ăn uống như sau:
- Không được “ nhồi” ngay một lượng thức ăn lớn vào dạ dày. Ăn no sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axit có hại, dễ đau.
- Chia nhỏ các bữa ăn ( 5- 6 bữa/ngày), khoảng cách giữa các bữa ăn nên đều đặn. Khi ăn cần nhai chậm, nhai kỹ để giảm bớt sự hoạt động nghiền thức ăn của dạ dày.
- Bữa tối nên ăn cách khi đi ngủ khoảng 3 - 4 tiếng, để không làm tăng lượng axit trong dạ dày.
- Bà bầu nên nhớ các yếu tố tâm lý căng thẳng, xúc động mạnh, lo âu… cũng làm thần kinh kích thích, dẫn tới tiết nhiều axít làm đau dạ dày. Luôn để tâm trạng thoải mái, tránh bị stress là một cách tốt để giúp điều trị dạ dày khi mang thai
Tường Lâm (Tạp Chí Bầu)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn