Ở đâu, bạn cũng thường nghe mọi người nói những câu rất dễ thương như: “Trộm vía, thằng bé kháu thế”, “Trộm vía, con bé ngoan lắm”, “Trộm vía, chẳng thấy cu cậu ốm đau gì”... Vì sao từ “trộm vía” lại trở thành quen thuộc mỗi khi khen một đứa trẻ?







Là một bà mẹ nhưng với con mình, tôi cũng tiết kiệm lời khen. Nếu muốn, phải “lén lút” lúc khi các bà không có mặt mới dám khen. Có lần, tôi khen bé bụ bẫm, bà nội nghe thấy liền nói “Vả vào mồm mẹ một nghìn lần đi, sao quở cháu bà như thế”. Tôi cười thầm, định “phản bác” lại là nhiều bé chẳng được khen như thế mà vẫn bị ốm đau hoài. Hoặc như ở nước ngoài, người ta luôn miệng khen trẻ và các bé cứ lớn mạnh và xinh đẹp. Nhưng thôi, “có kiêng có lành” và một phần cũng để các bà vui lòng, nên tôi cũng nghe theo. Giờ thành thói quen, mỗi khi khen các bé, tôi thường kèm theo hai từ “trộm vía” đầu tiên.

Theo quan niệm, đàn ông có “7 vía”, đàn bà có “9 vía” - tượng trưng cho số lượng “cai quản” các bộ phận trên cơ thể. Vì vậy, chẳng hạn nếu khen em bé bụ bẫm, “vía” sẽ làm cho đứa bé không được như thế nữa. Vậy nên, khi nói “Trông con dạo này khỏe mạnh quá” thì phải “trộm vía” một cái, kẻo mai bé ốm lại bị đổ tội cho người đã “động” đến “vía” của trẻ. Có nhiều người lại “truyền tai” nhau rằng, lý do không được khen trẻ vì “bà mụ” (bà đỡ) sẽ “ghen” với đứa bé đó và “lấy đi” những điều được khen (như “bụ bẫm”, “xinh xắn, “hay ăn chóng lớn”…). Do đó, nhất thiết phải thêm từ “trộm vía” trước mỗi lời khen. Bởi vì, “trộm vía” có nghĩa là “nhờ vào vía tốt của bà mụ mà cháu mới được như thế”.
Các cụ cũng cho rằng, do ma quỷ hay “ghen ghét” với con người nên thường đến quấy nhiễu những đứa trẻ xinh đẹp, ngoan ngoãn. Do đó, cần nói như vậy để tránh quỷ thần thấy bé đáng yêu quá mà “bắt” đi. Trong Nam, mỗi khi muốn khen các bé, người ta thường kèm theo từ “thấy ghét”. Ngoài Bắc, mỗi khi khen thường thêm từ “trộm vía”. Không ít người còn bôi cho mặt bé lem luốc khi ngủ, để ma quỷ chê không bắt vía đi. Ra ngoài đường, phải cầm theo con dao hay củ tỏi để tránh tà ma. Cũng vì thế mà trước đây, do sợ ma quỷ bắt và mong con cái sinh ra dễ nuôi, nên ông bà ta tránh đặt tên đẹp cho con và thường đặt với những cái tên rất xấu xí, khó nghe.

Khi viết bài này, tôi cũng đã tham khảo nhiều bà mẹ trẻ, hỏi họ có tin hay không khi nói từ “trộm vía” thì em bé sẽ tránh được những rắc rối? Một chị bạn của tôi cho rằng: “Điều này không phải là mê tín gì cả, mà chỉ là thói quen. Cũng giống như ở Tây, khi thấy bạn hắt hơi, người khác sẽ nói là “Bless you”. Vì họ tin là khi hắt hơi, linh hồn bạn sẽ thoát ra khỏi cơ thể và nói từ đó thì linh hồn sẽ nhập lại. Do đó, nói hay không là tùy ở mỗi người. Thực tế, hiện nay không chỉ ở các tỉnh lẻ mà ngay cả ở Hà Nội, đi đâu, bạn cũng sẽ nghe được từ “trộm vía” của ai đó mỗi khi khen nựng con trẻ. Tôi cũng không tin lắm nhưng biết đâu… Suỵt, “trộm vía” nào!
Khang Hân (tạp chí Bầu)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn