Khóc đêm là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, ban ngày trẻ vẫn bình thường nhưng lại khóc vào ban đêm. Dân gian thường gọi là "khóc dạ đề".





Khóc dạ đề là gì?
Không ai thật sự biết khóc dạ đề là gì. Đây không phải là một bệnh hay chẩn đoán mà bác sĩ đưa ra. Thật ra, gia đình sẽ tự hiểu rằng em bé nhà mình đang “bị” khóc dạ đề khi thấy có sự kết hợp của các yếu tố sau: Bé đang ở độ tuổi từ 3 tuần đến 3 tháng, mỗi lần bé khóc khoảng tầm 3 tiếng đồng hồ mới thôi, một tuần như vậy bé khóc ít nhất 3 lần (nhưng thường là đêm nào cũng khóc) và kéo dài 3 tuần trở lên.



Hầu hết các bé sẽ khóc vào khoảng chiều tối, ngày nào cũng đúng giờ đó sẽ khóc. Tiếng khóc rất lớn, liên tục, nghe như tiếng hét. Mỗi khi khóc, bé sẽ co chân vào người, nắm chặt hai bàn tay và co bụng. Có bé thì xì hơi, có bé thì ợ trớ. Nếu khóc dữ quá, mặt bé sẽ đỏ cả lên.
Cách chữa cho bé khóc dạ đề
- Nếu bé đang bú mẹ, bạn hãy tránh xa những loại thức ăn như hành, tỏi, cây họ cải (bắp cải, củ cải, bông cải xanh, súp lơ), cà ri, sô cô la, cà phê. Các loại thức ăn này có thể đi vào sữa mẹ và gây ra kích thích ruột dẫn đến trẻ hay quấy khóc.
- Không cho bé bú trong trường hợp có quá nhiều gió trong phòng. Tạo môi trường yên tĩnh, giảm tiếng ồn và tắt bớt đèn.
- Đảm bảo bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách bổ sung lợi khuẩn đường ruột thông qua men vi sinh. Bé sơ sinh có hệ tiêu hóa gần như vô trùng nên rất dễ phản ứng lại với các tác nhân bên ngoài. Lợi khuẩn quan trọng nhất với bé là vi khuẩn ruột kết. Mẹ nên bổ sung men vi sinh vào sữa bột hoặc rắc một ít men vi sinh lên núm vú trước khi cho bé bú.
- Mẹ cũng có thể chữa đầy hơi cho bé bằng công thức trà thảo mộc bên dưới. Mỗi lần sử dụng, mẹ chỉ cần ngâm một muỗng trà thảo mộc khô với nước nóng trong ít nhất 10 phút. Nếu bé đang bú mẹ, mỗi ngày mẹ nên uống khoảng 3 tách trà kể trên. Với các bé lớn hơn, mẹ có thể cân nhắc cho bé uống 1 - 2 muỗng mỗi lần và 3 lần mỗi ngày, tốt nhất là sau mỗi cữ bú. Pha 1 - 2 tách trà vào nước tắm cho bé cũng có tác dụng tương tự.
Bác sĩ Đông y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, khóc dạ đề chủ yếu do “thần khí” còn chưa phát triển đầy đủ, khả năng thích ứng còn yếu, dễ bị các kích thích bên ngoài làm cho khiếp sợ. Một số nguyên nhân khác là tâm nhiệt (tạng tâm bị nhiệt), tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, chức năng tiêu hóa yếu)...
Khóc dạ đề còn do hằng ngày trẻ nhỏ không được chăm sóc đầy đủ, ăn ngủ không có giờ giấc nhất định, ban ngày hoặc trước lúc ngủ đùa nghịch quá độ khiến thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh. Trẻ nhỏ bị còi xương và suy dinh dưỡng cũng hay khóc dạ đề.
Bác sĩ cho biết, khóc dạ đề có rất nhiều nguyên nhân, trẻ cần phải thăm khám tìm hiểu rõ nguyên nhân cụ thể để có bài thuốc đặc trị phù hợp. Ông giới thiệu các bài thuốc Đông y trị chứng khóc dạ đề cho trẻ như sau:
Bài 1: Dạng tỳ vị hư hàn: Bụng lạnh, tiêu hóa kém.
Trẻ khóc đêm, trán vã mồ hôi, người uể oải, mệt mỏi, hơi thở lạnh, bụng lạnh, đau, chán ăn, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng mỏng. Cần sử dụng những loại thuốc có tác dụng “ôn trung kiện tỳ" nghĩa là làm ấm bụng và tăng cường tiêu hóa.
Bạch truật 6 g, đẳng sâm 8 g, phục linh 6 g, cam thảo 3 g. Sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Ngoài ra có thể sử dụng gừng tươi 5 g, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ 15 g vào quấy đều, chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.
Bài 2: Dạng tâm nhiệt
Trẻ khóc về đêm, tiếng khóc to, mặt đỏ, miệng và hơi thở nóng, đại tiện táo, rêu lưỡi vàng mỏng. Cần phải dùng bài thuốc thanh tâm giải nhiệt.
Lá vông nem 6 g, diếp cá 8 g, rau má 12 g, gừng tươi 2 lát, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Ngoài ra, các mẹ có thể sắc lá tre, chắt lấy nước, cho gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn trong ngày.
Bài 3: Lo sợ bất an
Trẻ khóc đêm do sợ hãi, đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, cần dùng bài thuốc giúp dưỡng tâm an thần.
Xác ve 2 g, phục thần 4 g, táo nhân 4 g, viễn chí 4 g. Sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Lương y khuyến cáo, quan trọng nhất là khi dỗ bé, các mẹ phải luôn giữ bình tĩnh và thoải mái. Nếu trẻ khóc, mẹ cần phải biết chắc rằng bé không bị đói. Nên giữ phòng thoáng đãng và yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi. Cố gắng giúp trẻ có chế độ ăn uống và ngủ nghỉ đúng giờ giấc.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn