Trẻ dưới 2 tuổi rất dễ mắc chứng thiếu máu thiếu sắt bởi 4 nguyên nhân liệt kê sau đây. Mẹ nên tham khảo để ngăn ngừa bệnh, giúp con phát triển toàn diện nhất trong những năm đầu đời.









Ăn dặm là khoảng thời gian để mẹ bổ sung thêm nguồn sắt cho con

1/ Trẻ bị thiếu máu do thiếu dự trữ sắt
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã hấp thụ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của mình ngay lúc đó, và còn để dành cho sau này. Đó là lý do vì sao các chuyên gia luôn khuyến cáo mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất khi mang thai.


Theo nghiên cứu, lượng sắt bé hấp thụ từ cơ thể mẹ trong thai kỳ nhiều nhất là vào 3 tháng cuối. Theo đó, trong cơ thể trẻ sơ sinh đủ tháng, lượng tích trữ sắt vừa đúng là 250-300mg, đủ cho nhu cầu tạo máu từ 3-4 tháng sau sinh. Với những bé sinh thiếu tháng, sinh đôi, hoặc sinh ra từ mẹ thiếu máu thiếu sắt, nguy cơ bé bị thiếu máu là rất cao.
2/ Thiếu máu thiếu sắt do không ăn đủ
Ngoài viên uống bổ sung, nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho cơ thể vẫn là từ thực phẩm. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh, thức ăn chính hằng ngày của bé chỉ là sữa. Trong khi đó, hàm lượng sắt từ sữa không thỏa mãn nhu cầu tạo máu của bé.
Vì vậy, khi trẻ đạt mốc 6 tháng tuổi, mẹ nên tập cho con ăn dặm, tiếp xúc với thế giới thực phẩm đa dạng, đặc biệt là các món giàu sắt để phòng bệnh thiếu máu cho con.
3/ Lượng sắt không đủ vì bé phát triển nhanh
Nếu con bú ngoan, sữa mẹ chất lượng, bé sẽ phát triển rất nhanh, có khi còn vượt chuẩn. Chính vì cơ thể phát triển quá nhanh, dung lượng máu cũng tăng theo, làm lượng sắt không đủ để cung cấp cho quá trình tăng trưởng này. Đến năm tháng tuổi, cân nặng của bé đã tăng gần gấp 3 lúc mới sinh.
Với tốc độ đó, mẹ nên bổ sung kịp thời nguồn dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn ăn dặm để phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ dưới 2 tuổi.
4/ Trẻ bị mất lượng chất sắt đáng kể
Hệ tiêu hóa của trẻ những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn sơ sinh, rất non nớt và yếu ớt. Do đó, chỉ một chút xáo trộn cũng có thể làm bé mắc các bệnh về tiêu hóa và đường ruột, dẫn dến tiêu chảy, kiết lị, táo bón. Bệnh kéo dài gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt, gây thiếu máu và làm giảm sức đề kháng của hệ miễn dịch.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn