Kẽm tham gia rất nhiều trong quá trình phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.






Thiếu kẽm, sự chuyển hoá của các tế bào vị giác của bé sẽ bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng biếng ăn, thấp còi nhẹ cân. Bên cạnh đó, thiếu kẽm cũng sẽ gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến bé dễ mắc các bệnh do nguyên nhân ngoại vi, nếu bị thương cũng sẽ lâu lành hơn. Không chỉ có tác dụng với thể chất, tình trạng thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, làm dễ nổi cáu. Nguyên nhân do kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, mà canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.

Chính vì thế, việc đảm bảo đủ lượng kẽm hằng ngày cho bé và nhận biết sớm các dấu hiệu bé bị thiếu kẽm để tiến hành bổ sung đúng cách là điều mà các bố mẹ nên lưu ý.

1/ Dấu hiệu bé bị thiếu kẽm:
Dấu hiệu thường thấy là bé ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành và bất lực. Thiếu kẽm cũng gây sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn. Khi thấy những tình trạng trên xuất hiện trong thời gian dài 2 tuần trở lên mẹ nên đưa bé đi khám dinh dưỡng để được xét nghiệm và chẩn đoán can thiệp kịp thời.

2/ Nhu cầu kẽm ở trẻ nhỏ:
Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới một tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1 – 10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ, phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày, cho con bú sáu tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6 – 12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày.

3/ Các thực phẩm giàu kẽm để bổ sung cho trẻ nhỏ:
Với bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn để bé có thể nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất, dễ hấp thu nhất từ sữa mẹ. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2 – 3 mg/lít), sau ba tháng thì giảm còn 0,9mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong ba tháng đầu ước tính 1,4mg/ngày. Do đó, các mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.
Khi bé được 6 tháng, mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm và thử nhiều loại thực phẩm tươi ngon khác nhau. Các loại thực phẩm giàu kẽm là: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, cá chép, gan heo, sữa bột tách béo, thịt bò, lòng đỏ trứng, cùi dừa già, các hạt có dầu, khoai lang, ổi, rau mùi tàu, củ cải…

Lưu ý khi bổ sung kẽm cho con là mẹ nên hạn chế cho bé ăn các loại ngũ cốc thô, đậu nành và các thực phẩm giàu chất xơ kết hợp với thực phẩm giàu kẽm vì có thể làm giảm hấp thu kẽm. Nếu bé bị thiếu kẽm và phải uống bổ sung thì không nên cho bé uống cùng lúc với canxi (nếu có) vì canxi làm tăng bài tiết kẽm, khiến việc hấp thu kẽm khó hơn. Để tăng hấp thu kẽm, mẹ nên kết hợp cho con ăn các thực phẩm giàu vitamin C.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn