Tuổi thơ của con đầy những khoảnh khắc đáng nhớ, như nụ cười “toàn lợi” đầu tiên, thìa bột đầu tiên, và cú lẫy đầu đời. Xen giữa những sự kiện đáng yêu đó là những “pha hành động” làm bố mẹ phát điên, như thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, gào lên thảm thiết khi bố mẹ để người khác bế con, và cơn mưa đồ vật mà con ném xuống từ chiếc ghế cao.






Nào cùng khám phá những gì đằng sau tám giai đoạn phổ biến trong năm đầu đời của con và những mẹo khôn khéo giúp con vượt qua những giai đoạn đó thật êm xuôi bố mẹ nhé!

1: Liên tục thả rơi đồ vật

Bắt đầu từ: khoảng 6 tháng tuổi.

Chuyện gì đang xảy ra? Lúc còn ẵm ngửa, khi đánh rơi một cái lục lạc, bé coi như là nó đã biến mất rồi. Giờ đây bé nhận ra rằng vật đó vẫn ở đâu đó cả khi bé không nhìn thấy chúng nữa, khái niệm về sự tồn tại vĩnh cửu của vật chất đã bắt đầu hình thành trong đầu óc non nớt của bé. Bạn sẽ nhận biết được giai đoạn này khi bé nhìn xuống theo những gì bé đánh rơi từ ghế cao. Đó là trò chơi giúp dạy bé về nguyên nhân và kết quả: ‘Con làm rơi nó, mẹ nhặt nó lên”.

Cách vượt qua: Dù rất mệt nhọc để thu dọn “bãi chiến trường” của bé suốt cả ngày, nhưng bố mẹ hãy vui vẻ với bé nhé. Bé sẽ cảm thấy được đồng tình mỗi khi bạn đáp lại. Hãy bình thản kết thúc bữa ăn một khi bé đập tô cà rốt nghiền của mình. May mắn thay, tần suất đồ chơi bay và ly chén rơi sẽ giảm dần sau khoảng 15 tháng.

2: Bôi thức ăn tèm lem lên mặt nhiều hơn là đút vào miệng

Bắt đầu từ: khoảng 7 đến 9 tháng tuổi.

Chuyện gì đang xảy ra? Bạn nghĩ mục đích bé ăn trưa thực sự là để ăn ư? Vì lý do nào đó, bữa ăn đã trở thành một trò vui với bé. Bé có thể thấy các món ăn đúng ra phải được bôi lên má chứ không phải để đút vào miệng, hoặc phải mút mát qua các kẽ ngón tay mới thật ngon lành. Bé cũng đang vận dụng sự độc lập của mình. Có rất ít những bé có thể kiểm soát, do đó khi bé chơi với thức ăn, bé đang xem xét nó theo cách của riêng mình.

Cách vượt qua: Đừng tước đoạt quyền cầm muỗng của bé, bé cần phải tập cách tự ăn một mình. Khi bé được 2 tuổi, khả năng phối hợp của bé đã được cải thiện và bé đã có thể tập trung hơn (và ít vụng về hơn) vào bữa ăn. Tuy nhiên, đừng bị sốc nếu con bạn vẫn còn ăn uống tèm lem tới tận khi vào mẫu giáo.

3: Khóc thét khi người lạ bế

Bắt đầu từ: 7 tháng tuổi.

Chuyện gì đang xảy ra? Bé đang trải qua giai đoạn sợ hãi với người lạ. Dù bé đã một lần được dắt vào các bữa họp mặt, bé bây giờ có thể biết ai là người quen và ai là người lạ, bé vẫn có thể hoảng sợ khi bạn đưa bé cho bà ngoại bế, người mà không thường xuyên ghé thăm nhà hay là cả khi bạn mở cửa cho một người giao hàng. Bé lúng túng ư? Tất nhiên. Nhưng khả năng phân biệt bạn với những người lạ của bé đã có những bước phát triển nhảy vọt (và bạn nên giải thích điều này cho bố mẹ chồng để tránh sự tự ái)

Cách vượt qua: Hãy giúp bé hâm nóng mối quan hệ với những người lạ cho đến khi giai đoạn này kết thúc, thường thì là 15 tháng. Hãy tạo điều kiện để người thân hay bạn bè tiếp cận bé nhiều hơn, đừng vội vàng trao bé vào tay người khác ngay khi mới gặp họ, hãy giữ bé một lúc để bé có thời gian làm quen. Nếu cách này không hiệu quả, đừng cố ép bé, thay vào đó hãy để bé cùng với những người khác tham gia những hoạt động cùng nhau để bé thấy an toàn hơn.

4: Sau khi đã tập được lịch ngủ, bé lại thức giấc nửa đêm

Bắt đầu từ: khoảng 9 tháng tuổi

Chuyện gì đang xảy ra? Con bạn có lẽ đã vươn tới một cột mốc quan trọng, như biết đứng hay đi dạo. Khi bé dùng tất cả năng lượng cho kỹ năng này, bé có thể không tập trung đủ cho các lĩnh vực khác, bao gồm cả ngủ.

Cách vượt qua: Nhanh chóng dỗ dành con bạn, và rời khỏi phòng sau khi bé quay lại lại giấc ngủ. Nếu bạn ở lại càng lâu, bé càng nhận được nhiều sự khuyến khích. Ngoài ra, hãy đảm bảo là bạn thực hiện đúng theo những thói quen lúc ngủ tốt cho sức khỏe. Hãy đặt bé xuống trong khi bé vẫn còn tỉnh. Những thói quen ngủ tốt của bé sẽ được hình thành sau vài tuần.

5: Bé cho tất cả mọi thứ vào miệng

Bắt đầu từ: từ 3 – 4 tháng tuổi.

Chuyện gì đang xảy ra? Khi bé gặm món đồ chơi hoặc ngón chân của mình, bé đang cố gắng tìm hiểu những thông tin như: “Nó có cứng không nhỉ? Nó có ướt không? Mình ăn được nó không?” Đơn giản là vì bé không thể đặt những câu hỏi để tìm hiểu về sự vật như cách của chúng ta, vì vậy cách thức khám phá thế giới xung quanh đầu tiên của bé chính là thông qua các giác quan của mình.

Cách vượt qua: Hãy cất những vật nguy hiểm tránh xa khỏi tầm tay của bé bao gồm: những thứ có kích thước nhỏ có thể nhét vừa ống giấy vệ sinh; những vật sắc nhọn như dao rọc, kéo hay dập ghim; các hóa chất như thuốc men, chất tẩy rửa. Bạn cũng có thể bò quanh nhà như bé để phát hiện những nguy cơ ẩn giấu trong tầm nhìn của bé (mà thường thì người lớn chúng ta ít để ý được). Nếu bé cho thứ gì đó nhỏ bé vào miệng, hãy lấy ra và đưa cho bé thứ gì đó an toàn để gặm thay thứ kia. Bạn không thể cấm bé gặm mọi thứ bé vớ được, nhưng đừng lo, giai đoạn này sẽ qua khi bé được 12-18 tháng tuổi, lúc này bé đã bước vào tuổi học đi và học nói rồi.

6: Bé òa khóc ngay khi bạn chỉ mới chuẩn bị đi khỏi.

Bắt đầu từ: khoảng sớm hơn 9 tháng tuổi (nhưng thường tệ hơn khi bé khoảng 10 tới 18 tháng tuổi).

Chuyện gì đang xảy ra? Nỗi lo lắng về sự chia cách sẽ bùng nổ khi con bạn có thể hình dung ra hình ảnh của bạn trong tâm trí ngay cả khi không có bạn ở bên. Bạn cần một chút riêng tư trong phòng tắm ư? Chúc bạn có được may mắn đó. Bé ghét phải nói tạm biệt bởi vì bé không biết được rằng bạn sẽ không có mặt trong bao lâu.

Cách vượt qua: Khi bạn cần phải chuẩn bị bữa tối, hãy nói chuyện với bé để bé biết rằng bạn vẫn ở gần bên, và tạo ra một sự thỏa thuận khi bạn quay lại (như kiểu reo lên: “Tèn ten, mẹ đã bảo là mẹ sẽ không đi lâu đâu mà”). Nếu bạn ra ngoài, hãy có người trông trẻ ở nhà để bé thích nghi với cách này. Bạn hãy hôn bé và nói “Chúc ngủ ngon, con yêu”. Lời tạm biệt dài dễ gây nhầm lẫn và làm bé bối rối. Trẻ em có người chăm sóc có xu hướng vượt qua được giai đoạn này nhanh hơn, nhưng tùy thuộc vào tính cách của con bạn, nó có thể kéo dài tới tuổi mẫu giáo.

7: Bé không thích bạn chăm sóc vì bé thích bố hơn

Bắt đầu từ: khoảng 8 đến 9 tháng tuổi

Chuyện gì đang xảy ra? Con bạn đã nhận ra rằng mẹ và bố có những cách quan tâm chăm sóc khác nhau, và sự biểu lộ của bé sẽ cho biết bé thích cách chăm sóc nào hơn. Đa số trẻ em sẽ yêu thích vị phụ huynh dành nhiều thời gian cho bé hơn. Nhưng nếu bố bé biến mọi thứ thành trò chơi hay bẻ cong luật lệ thường xuyên hơn, bố có thể trở thành lựa chọn số 1 để chơi chung của bé.

Cách vượt qua: Hãy kiên nhẫn nếu bé không thích bạn chăm sóc. Bé sẽ lại gắn kết với mẹ thôi mà. Mặt khác, áp đặt bản thân đối với con có thể còn làm cho bé chống cự mạnh hơn. Thay vào đó, hãy cố gắng dành nhiều thời gian để cả bố - mẹ - con cùng ở bên nhau. Thêm vào đó, vị phụ huynh được bé thích hơn nên tìm cách kéo người còn lại tham gia nhiều hơn. Đây cũng là cách tốt cho việc cho ăn, tắm rửa và cho bé đi ngủ, vì đây là những lúc hầu như chỉ có mẹ và bé với nhau mà thôi.

8: Bé chẳng chịu nằm yên khi bạn thay tã cho bé.

Bắt đầu từ: từ 9-12 tháng tuổi.

Chuyện gì đang xảy ra? Con bạn giờ đây đã có thể điều khiển cơ thể nhỏ bé của mình tốt hơn nhiều, vì vậy thay vì chỉ nằm ườn ra cho mẹ thay tã, bé sẽ tranh thủ thử nghiệm kỹ năng lẫy đạp của mình.

Cách vượt qua: Hãy tìm cách đánh lạc hướng bé bằng món đồ chơi hay cuốn sách hàng ngày bé vẫn thích. Thi thoảng, cách này cũng không hiệu quả lắm đâu, một vài bố mẹ chia sẻ rằng trong trường hợp này họ chỉ còn cách vừa một tay bế bé còn tay kia thì cởi tã bẩn và thay tã sạch cho bé. Bạn cũng có thể đặt bé lên sàn nhà hoặc một mặt phẳng rộng để bé có không gian ngọ nguậy mà không phải lo bé té ngã như khi đặt lên bàn thay tã.

Con yêu đang lớn lên...

Nếu con bạn đang hoạt động rất kỳ cục, ngủ trưa không theo giờ giấc hoặc ăn không ngừng, có thể bé đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt. Hiện tượng này xảy ra khi tuyến yên sản sinh ra một lượng hormone tăng vọt kích thích sự phát triển của bé.

Các giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt xảy ra vào khoảng 2-3 tuần tuổi, 4-6 tuần tuổi, 3 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, và 9 tháng tuổi. Ngay trước khi một giai đoạn nhảy vọt bắt đầu, bé sẽ trở dậy thường xuyên hơn để đòi ăn, và bé cũng trở nên nhặng xị hơn bình thường. Trong suốt giai đoạn này, bé sẽ hay ngủ ngắn hơn để tăng trưởng chiều cao cũng như ăn nhiều bữa hơn khi thức dậy.

Nhưng những hành vi lạ thường này cũng có thể gây ra bởi một số nguyên do khác, bạn hãy để ý xem nếu thời gian những biểu hiện này diễn ra chỉ trong vài ngày và không gây khó chịu cho bé thì hoàn toàn có thể yên tâm xem đây là một giai đoạn phát triển của bé. Nếu sự bất thường này kéo dài hơn một tuần, tốt nhất là bạn nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn