Mẹ muốn vệ sinh tai cho trẻ thật sạch, nhưng không biết nên lấy ráy tai cho con thế nào để không tổn thương đến tai cũng như màn nhĩ của con? Để giúp mẹ chăm sóc tai cho bé tốt nhất, hôm nay sẽ cùng mẹ tìm hiểu về việc lấy ráy tai, mẹ nhé!





Khi nào có thể lấy ráy tai cho con?
Ráy tai là một lớp sáp bôi trơn tự nhiên được tai sinh ra với vai trò như một lớp màn bảo vệ bên trong. Ngay từ khi sinh ra con đã bắt đầu hình thành ráy tai, thông thường ráy tai sẽ khô và được đào thải ra ngoài một cách tự động. Chính vì thế, nếu trẻ không có các bệnh về tai, mẹ không cần dùng dụng cụ lấy ráy mà chỉ cần lau sạch phần tai bên ngoài.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp ráy tai của bé không thể đào thải ra ngoài theo cách bình thường và có thể dẫn đến tình trạng nút ráy tai. Lúc này mẹ cần hỗ trợ vệ sinh tai cho trẻ để tránh các triệu chứng ù tai, nghe kém gây khó chịu cho bé.



Không cần lấy quá thường xuyên
Ráy tai sinh ra là để bảo vệ tai, thế nên nếu không thật sự cần thiết mẹ không nên lấy ráy tai thường xuyên. Những trường hợp cần phải lấy ráy tai là khi phần này đóng quá nhiều trong tai, làm bít, tắc hoặc gây viêm, nhiễm tai. Với các trường hợp ráy tai chỉ đóng thành màn mỏng, hơi dính vào vành tai thì mẹ không nên lấy vì sẽ dễ làm tổn thương tai con. Khoảng thời gian hợp lý để lấy ráy tai cho bé là khoảng 2 lần mỗi tháng.
Không dùng các vật cứng, nhọn vệ sinh cho bé
Mẹ cần lưu ý, dù bé sơ sinh hay lớn hơn, các bộ phận bên trong tai vẫn rất dễ bị tổn thương, nhất là màn nhĩ. Chính vì vậy, mẹ không nên dùng các vật cứng, nhọn cho vào tai để lấy ráy cho con. Mẹ cũng cần cẩn thận với các loại tăm bông 2 đầu, vì các lọn bông rất dễ rơi vào tai bé hoặc phần bông quá cứng gây xây xát cho lớp da bên trong tai.
Không cố gắng lấy khi ráy quá cứng, bé quấy khóc
Nếu ráy tai của bé quá cứng, mẹ không nên cố gắng cạy hoặc ngoáy ra vì có thể làm tổn thương tai và màn nhĩ của bé. Tương tự, khi bé đang quấy khóc hoặc trong quá trình vệ sinh tai cho bé mà bé không yên thì mẹ nên dừng lại để tránh làm bé bị thương.
Thường xuyên kiểm tra tai của bé
Mẹ cần thường xuyên kiểm tra tai của con để làm sạch khi cần thiết. Theo dõi tai của con cũng giúp mẹ phát hiện các vấn đề về sức khỏe hoặc thính giác của con và kịp thời điều trị.
Các bước và dụng cụ lấy ráy tai cho con
Với bé không có vấn đề về tai
Đối với bé dưới 36 tháng, mẹ có thể vệ sinh tai cho trẻ trong lúc tắm bằng cách dùng khăn mềm lau nhẹ ngoài vành tai. Sau đó, mẹ có thể xoắn đầu khăn thành hình kén, nhẹ nhàng lau phần ống tai bên ngoài. Mẹ không nên dùng tăm bông hoặc cho vào quá sâu trong tai bé để không làm tổn thương đến tai trong và màn nhĩ.
Đối với trẻ trên 36 tháng, bé đã bắt đầu hoạt động ở bên ngoài nhiều hơn vì vậy mẹ càng cần vệ sinh phần vành tai và ống tai ngoài của con. Mẹ vẫn có thể dùng cách như khi bé còn nhỏ, hoặc dùng các dụng cụ ngoáy tai chuyên dụng có đèn để lấy ráy cho con. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để vệ sinh tai một cách an toàn.
Với bé có ráy tai khô cứng
Với các trường hợp bé có ráy tai khô, cứng, mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý vào tai con khoảng 3 đến 5 lần mỗi ngày để ráy mềm và tự trôi ra ngoài. Tuy nhiên, nếu sau khi nhỏ đều đặn trong vòng 5 đến 7 ngày mà ráy vẫn không trôi ra, mẹ nên cho con đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời tránh các bệnh nguy hiểm.
Lấy ráy tai cho con là một việc làm cần thiết để giữ vệ sinh tai và giúp bảo vệ thính lực cho bé. Tuy nhiên, mẹ cần cẩn thận và kiên nhẫn khi lấy ráy cho con vì một số bé có thể không chấp nhận cho mẹ lấy ráy tai. Mẹ cũng cần lưu ý, khi con có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về tai như đóng ráy cứng, chảy mủ hoặc ngứa tai, mẹ nên cho con đến bác sĩ ngay. Bên cạnh lấy ráy, mẹ nhớ giữ vệ sinh phần bên ngoài tai để đảm bảo bé luôn sạch sẽ và khỏe mạnh, mẹ nhé!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn