Bé dưới 1 tuổi thật phức tạp, với đủ các hiện tượng khiến cha mẹ lo lắng. Sẽ giảm gánh nặng tâm lý rất nhiều nếu cha mẹ biết hiện tượng nào là bình thường, như thế nào là bất thường cần can thiệp sớm ở trẻ dưới 1 tuổi…






Bé rất hay vặn mình hoặc gồng người
Chuyện gồng người hay vặn mình rất quen thuộc với các bé sơ sinh cho đến 3 tháng tuổi. Đang nằm, đột nhiên bé vặn cong người hay gồng mình lại, mặt đỏ tía tai. Nếu bé thường có các biểu hiện vặn cứng người, nhưng không quấy khóc khó chịu, không ói, vẫn lên cân tốt thì mẹ đừng lo lắng. Sẽ chỉ đáng lo nếu bé vừa vặn mình vừa khó ngủ, hay giật mình, trằn trọc, đổ nhiều mồ hôi ở đầu và lưng, hay nấc, hay trớ, rụng tóc và chậm lên cân. Đó là chuỗi các triệu chứng của tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ, lâu dần dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng.

Bé sẽ khó ngủ và nhạy cảm với âm thanh
Có rất nhiều bé do được mẹ để nằm ngủ trong phòng kín, yên lặng, nên sau này sẽ rất khó ngủ và nhạy cảm đặc biệt với âm thanh: chỉ cần nghe tiếng sột soạt, tiếng nói chuyện là bé giật mình tỉnh giấc. Thực ra trẻ sơ sinh ngủ nhiều và giấc ngủ ngắn và không sâu. Nếu bé ngủ ít nhưng vẫn bú bình thường, lên cân tốt, vui vẻ không quấy khóc thì không sao. Nhưng bé hay lăn lộn, trăn trở khi ngủ, đổ nhiều mồ hôi, rụng tóc, thì đích thị là do trẻ thiếu Vitamin D. Mẹ cũng cần cho con tiếp xúc với âm thanh chứ đừng cho con ngủ ở không gian yên lặng quá, sau này con rất hay bị giật mình tỉnh giấc bởi tiếng động, dù nhỏ.

Bé hay quấy khóc
Bé sơ sinh dưới 3 tháng thường rất hay khóc, quấy. Khóc cũng là cách duy nhất để trẻ bày tỏ các nhu cầu đơn giản của mình như đói, khát, bỉm ướt gây khó chịu cũng khóc, quần áo của con dày, thô ráp gây ngứa cũng làm con khóc, hay con nằm mãi một tư thế sẽ khó chịu và khóc... Nhiều cha mẹ trẻ luống cuống khi con khóc vật vã, khóc dai dẳng (khóc dạ đề) đỏ hết cả người và thường bế miết trên tay, vừa mệt con, vừa mỏi mẹ. Mẹ hãy nghĩ đơn giản: khóc là một “thao tác” giúp con nở phổi. Nếu mẹ thấy bỉm con khô, quần áo thoải mái, con không đói hay lạnh, con không buồn ngủ nhưng con vẫn khóc và mau nín thì không sao cả. Đừng nghe con khóc chỉ vài giây là bế con lên ôm ấp và cho con bú khiến bé hình thành thói quen không tốt là phải bế hoặc phải cho bú mới ngủ... rất vất vả cho mẹ.

Bé dễ bị rôm sảy/lác sữa
Khoảng 2 tuần đến 3 tháng đầu, bé sẽ dễ bị nổi rôm sảy, nhất là những lúc tiết trời nóng nực. Đây là hiện tượng vô hại, có thể tự hết mà không cần bôi thuốc. Mẹ vẫn tắm rửa vệ sinh hàng ngày cho con bằng nước ấm pha vài giọt Lactacid là tình trạng rôm sảy sẽ nhanh hết. Còn khi bé bị lác sữa, thời gian da lành sẽ lâu hơn nhưng sẽ tự động hết hẳn khi bé lớn (tầm 4 tháng trở đi). Mẹ không nên dùng các loại thuốc bôi để bôi xức cho con sẽ khiến tình trạng nhẹ của con trở thành viêm da.

Bé đi ngoài nhiều lần trong ngày
Có mẹ mới sinh con lần đầu, ngày nào cũng đánh dấu xem con bú mấy lần, lúc mấy giờ, con ị mấy lần, vào lúc nào. Hôm nào con bú nhiều hoặc ít cũng lo, con ị nhiều hay ít cũng cuống lên. Thực tế là bé sơ sinh bú mẹ rất mau đói, vì sữa mẹ tiêu hóa dễ, nên bé đòi bú liên tục, có ngày bé ngủ nhiều thì quên cả bú. Và vì sữa mẹ dễ tiêu hóa nên bé đi ị liên tục, có khi mỗi ngày cả chục lần (lúc mới sinh). Nói theo chuyên môn thì trẻ sơ sinh (trong 3 tháng đầu) bú mẹ hòan toàn và mẹ cũng không bị tiêu chảy, không ăn hải sản sống thì bé sẽ luôn đi ngoài nhiều. Con “đi” nhiều nhưng không nôn trớ, phân không nhớt không tanh, bé bú mẹ bình thường, không bỏ bú, thì cứ để con đi thoải mái. Càng lẹt xẹt càng mau lớn mẹ ạ.

Bé dễ nhiễm bệnh hô hấp
Đây là các bệnh thường gặp nhất ở trẻ, nhất là trẻ sau 6 tháng tuổi. Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch với môi trường và ngăn ngừa mầm bệnh, vi khuẩn, virus gây bệnh, nên sau thời kỳ bú mẹ hoàn toàn chuyển sang ăn dặm là bé bắt đầu dễ bị nhiễm bệnh. Khi bé bệnh, các mẹ lo lắng nên cho đi khám và uống thuốc kháng sinh để con mau hết bệnh, nhưng điều này lại khiến con nhiễm bệnh dễ hơn vì uống kháng sinh nhiều sinh ra lờn thuốc, bệnh sẽ tái đi tái lại. Tốt nhất, khi con vừa chớm bị viêm đường hô hấp như sổ mũi trong, ho khan, sốt… thì mẹ nên dùng nước muối sinh lý rửa cho con hàng ngày. Cho con uống các loại thảo dược để đỡ bệnh. Bệnh hô hấp thường lâu khỏi, mẹ phải kiên nhẫn, đừng sốt ruột. Nếu bé thở lõm ngực, mũi có đờm xanh, ho có đờm thì nên đưa bé đi khám.

Bé hay nôn trớ
Nếu không phải bị trào ngược thực quản, thì tình trạng nôn ói của trẻ cũng rất bình thường đối với trẻ dưới 1 tuổi. Hiện tượng nôn trớ này là bình thường vì dạ dày của bé còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu nên bé rất hay nôn trớ. Nếu trẻ nôn trớ mà không kèm theo nóng sốt, không đi phân lỏng hay tiêu chảy, hay sổ mũi, ho, phát ban, không bệnh trào ngược dạ dày, ..., thì không có gì phải lo lắng cả. Chỉ cần mẹ chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày, sau khi ăn mẹ bế vác con lên vỗ lưng cho con thì tình trạng nôn trớ sẽ giảm bớt.

Bé bị táo bón hoặc tiêu chảy
Táo bón hay tiêu chảy bắt đầu xảy ra khi mẹ cho bé ăn dặm, hoặc thường gặp với bé bú sữa ngoài. Trẻ bú sữa ngoài sẽ bị rối loạn tiêu hóa khi mẹ pha sữa không đúng tỉ lệ, sữa pha rồi để lâu mới uống, hoặc nước không vệ sinh. Cũng có khi bé bú mẹ bị rối loạn tiêu hóa nếu mẹ ăn đồ biển, đồ lạnh… Tình trạng rối loạn tiêu hóa này sẽ xảy ra dày đặc hơn khi bé ăn dặm: bé sẽ đi ị nhiều lần trong ngày, đi phân sống (phân nhầy, có bọt, lợn cợn hạt, màu vàng xanh, hay xanh thẫm), tiêu chảy (đi ngày 5-7 lần trở lên, nước nhiều hơn phân), táo bón (2-3 ngày chưa đi ngoài). Một khi hệ tiêu hóa ở trẻ đã rối loạn thì phải cả tuần mới hết được, nên mẹ đừng vội vàng cho con dùng men tiêu hóa, thuốc cầm, thuốc tháo thụt… thay vào đó hãy để cho hệ miễn dịch đường ruột tự hoạt động, tự miễn dịch và xem lại khẩu phần của con. Chỉ dùng thuốc khi bác sĩ chỉ định.

Bé bị sốt/sốt virus
Bé dưới 1 tuổi bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân, nếu trẻ sốt không cao quá 38,5 độ đa phần không phải là sốt do virus, có thể là sốt do mọc răng, do rối loạn tiêu hóa khiến trẻ chướng bụng sinh ra sốt, hay ở các trường hợp trẻ bị cảm lạnh thông thường (không phải cảm cúm do virus), viêm phế quản, do tiêm ngừa… Riêng sốt do virus thì trẻ thường sốt từ 38,5 độ trở lên. Bé sốt trên 38,5 độ có thể theo dõi và hạ sốt tại nhà bằng cách mẹ lau mát cho con, cho con uống hạ sốt theo toa. Trẻ sốt trên 40 độ kèm co giật thì mẹ cần cho con đi bệnh viện ngay tránh các biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù phổi, suy thận cấp.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn