Theo BS Thanh Hà (Khoa Phụ - Viện Y học Cổ truyền), xông hơi là cách trừ độc thông qua sự thoát hơi nước, kích hoạt tẩy rửa, làm sạch và tái sinh cơ thể, giúp sản phụ giảm bớt mệt mỏi, tăng cường sức khỏe và giảm cân hữu hiệu.





* Khi nào mới được xông hơi?Theo bác sĩ Tuyết Lan (BV Phụ sản Trung ương) thì sản phụ sinh thường có thể áp dụng biện pháp xông hơi sau sinh khoảng 4 ngày. Với người sinh mổ, việc này nên tiến hành chậm hơn để vết mổ khô hẳn, khoảng 1 tuần sau khi sinh.
* Chuẩn bị: Do việc đi đến các spa tương đối khó khăn vì đang trong gia đoạn ở cữ, nên những cách xông hơi thông dụng, đơn giản bằng lá cây tự nhiên là hợp lý nhất với thai phụ. Để có quá trình xông hơi tốt nhất, bạn cần nhờ người nhà chuẩn bị các loại lá xông. Tùy nguyên liệu có sẵn, nồi nước xông có thể bao gồm những thành phần như: lá chanh, lá ổi, tía tô, bạc hà, bưởi, quýt, sả, gừng, kinh giới, quế, vằng, cây mâm xôi, bướm bạc, hà thủ ô, gừng… Mỗi lần xông, chỉ cần số ít trong các loại lá kể trên là được.

*Cách xông:
Khi xông hơi, bạn nên mặc quần áo lót hoặc sao cho càng để hở nhiều da càng tốt. Cần có một chiếc ghế thấp để ngồi, trùm kín người và nồi xông bằng tấm chăn đã chuẩn bị sẵn. Lúc đầu chỉ mở hé nấp nồi để hơi nóng chỉ xông đến phần bụng và chân. Khi quen với sức nóng có thể mở nấp nồi rộng hơn để hơi nóng bốc lên nhiều. Khi hơi nóng đã giảm các mẹ dùng đũa gỗ xốc những lá cây trong nồi để hơi nóng bốc lên. Khi thấy lượng mồ hôi tiết ra đã vừa đủ hoặc khi nồi xông không còn bốc hơi nóng thì tung chăn ra và dùng khăn lau khô khắp người trước khi thay quần áo sạch.
* Thời gian xông: Mỗi lần xông hơi nên kéo dài từ 20 – 30 phút, đến khi bạn cảm thấy cơ thể toát hết mồ hôi và nhiệt độ nước xông giảm nhiều thì có thể kết thúc. Hiện nay, không ít bà mẹ lạm dụng quá nhiều vào việc xông hơi và nó hoàn toàn không tốt. Các bác sĩ khuyên rằng, không được xông hơi liên tục nhiều ngày liền. Tối thiểu 3 ngày mới nên thực hiện một lần với điều kiện là sau mỗi lần, cơ thể cảm thấy khỏe mạnh và khoan khoái. Nếu sau khi xông hơi, bạn cảm thấy mệt hơn hoặc có những triệu chứng bất thường khác thì nên ngừng ngay và thăm khám bác sĩ.

* Lời khuyên từ bác sĩ:

- Không xông hơi sau khi ăn no hoặc đang đói vì có hại cho hệ tim mạch và sức khỏe.
- Xông hơi xong nên tránh gió lùa, không được dùng máy lạnh hoặc nằm quạt điện mạnh.
- Với xông hơi khô, sau khi xông cũng không nên tắm ngay dù bằng nước lạnh hay nước ấm (nước ấm khiến các lỗ chân lông tiếp tục giãn ra, không tốt cho sức khỏe).
- Ngoài ra, bạn nên uống bù nước sau khi xông, có thể là một ly trà gừng nóng hoặc nước chanh nóng. Không nên dùng các loại nước ướp lạnh hoặc nước đá.
Bảo Khang(bau.vn)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn