Viêm tai là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Khoảng một nửa số trẻ từ 1 - 3 tuổi mắc bệnh ít nhất một lần. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến thủng màng nhĩ, thậm chí gây viêm màng não.







Những dấu hiệu của bệnh
Thường sau một cơn cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang, trẻ có thể bị viêm tai. Đau là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Khi đau, trẻ sẽ nói cho bạn biết hoặc có dấu hiệu cáu kỉnh và giật mạnh lỗ tai (chưa biết nói). Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như:
- Ăn uống kém ngon do bệnh gây đau, khiến trẻ khó nhai và nuốt thức ăn.
- Khó ngủ do khi nằm, vết thương có thể gây đau thêm.
- Tiêu chảy hoặc ói mửa, vì bệnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- Lỗ tai chảy ra chất lỏng màu vàng hoặc trắng, màng nhĩ xuất hiện một lỗ nhỏ. Một số trẻ không có dấu hiệu này, nhưng đây chắc chắn là triệu chứng của viêm tai. Tuy nhiên, dấu hiệu này sẽ mất đi khi bệnh được chữa khỏi.
- Gặp khó khăn về thính lực, nhất là khi nghe những âm thanh nhỏ, do chất lỏng tràn vào tai giữa gây tắc nghẽn âm thanh.
- Gây mất cân bằng. Hai tai có tác dụng giữ thăng bằng nên khi mắc bệnh, trẻ có thể mất ổn định hơn so với bình thường.
- Có thể sốt hoặc không.

Các giải pháp chữa trị

Nếu trẻ có dấu hiệu viêm tai lần đầu, cần đưa ngay đến bác sĩ để được soi, kiểm tra xem màng nhĩ có ửng đỏ, phồng lên và có dịch lỏng chảy ra không. Nếu dịch lỏng tích tụ trong tai giữa, tức trẻ có nguy cơ bị viêm tai. TheoHọc viện Nhi khoa Mỹ (AAP), khi trẻ có những triệu chứng nghiêm trọng của viêm tai giữa cấp như tích tụ dịch lỏng, đau, màng nhĩ ửng đỏ và gây sốt, cần cho uống kháng sinh.
Nếu triệu chứng không nghiêm trọng và trẻ từ 2 tuổi trở lên, cần theo dõi từ 48 – 72 giờ xem bệnh có thuyên giảm mà không cần uống kháng sinh, vì 80% trẻ viêm tai giữa cấp không uống kháng sinh vẫn khỏi bệnh. Nếu uống thuốc theo toa, sau khi hết thuốc cần tái khám để theo dõi phản ứng của thuốc. Dù có hoặc không dùng kháng sinh, nếu sau vài ngày bệnh không thuyên giảm và gây sốt, hoặc bệnh có triệu chứng xấu hơn, cần đưa trẻ đến ngay bác sĩ.
Phòng bệnh từ xa
Tuy viêm tai không lây nhiễm, nhưng nhiễm trùng hô hấp trước đó cũng là đồng phạm. Để loại trừ những mầm gây bệnh, bạn cần vệ sinh tay mình và tay trẻ sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi ăn hoặc chế biến thực phẩm. Phòng bệnh cho trẻ, cần chú ý:

- Tiêm chủng ngừa theo lịch:
Vacine chủng ngừa phế cầu khuẩn pneumococcal có tác dụng giảm thiểu viêm tai ở trẻ. Nếu tái phát, nhất là sau cảm cúm, bạn cần cho trẻ chủng ngừa vacine bệnh cảm cúm hàng năm.
- Tránh xa khói thuốc lá: Khói thuốc lá ngăn cản hoạt động hệ miễn dịch của cơ thể trẻ chống lại hiện tượng viêm nhiễm. Thế nên, trẻ có cha mẹ hút thuốc lá có nguy cơ bị viêm tai cao cùng những vấn đề về thính lực (tiếp xúc với người hút thuốc chiếm 37%, có mẹ hút thuốc chiếm 62% và khoảng 86% phải phẫu thuật tai giữa).
Hoàng Ly (tạp chí Bầu)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn