Tưởng như, kể chuyện cho trẻ là một việc đơn giản. Tuy nhiên, để đem lại tác dụng tích cực về tinh thần và trí tuệ cho trẻ thông qua mỗi câu chuyện kể lại không hề dễ dàng. Thế nên, người lớn cũng cần phải có học vấn khi kể chuyện cho bé nghe…





Lúc nào trẻ nghe hiểu được chuyện kể?
Mọi đứa trẻ đều thích nghe kể chuyện và đặc biệt thích những câu chuyện do chính bố mẹ kể. Từ khi còn nằm trong bụng, đã có không ít bố mẹ kể chuyện “từ bên ngoài” cho bé cưng nghe. Có điều, trẻ chỉ có thể nghe hiểu được câu chuyện bạn kể, khi sắp bước vào tuổi thứ 2 mà thôi.
Lợi ích của kể chuyện
Trong quá trình kể chuyện, có thể phát triển khả năng tư duy logic của trẻ nhỏ. Bé được tiếp xúc với việc giao lưu ngôn ngữ nhiều hơn, nên sẽ có ích cho việc nâng cao năng lực biểu đạt khẩu ngữ như phát âm chính xác, nắm vững vốn từ vựng nhất định và một số quy luật ghép từ đặt câu.
Ngoài ra, nghe kể chuyện còn giúp nuôi dưỡng cho trẻ thói quen nghe đọc và niềm say mê đối với tác phẩm văn học, kích thích những hứng thú bước đầu trong việc cảm thụ và biểu hiện về cái hay, cái đẹp.
Hơn nữa, quá trình kể chuyện cũng tạo ra nhiều cơ hội giao lưu, hỏi đáp giữa bố mẹ và bé. Chỉ cần một chút giao lưu qua ánh mắt thì giữa hai phía cũng sẽ sản sinh ra tình cảm ấm áp và niềm vui vô tận. Từ đó, giúp mối quan hệ gia đình trở nên gắn bó chặt chẽ, mật thiết hơn.

Phương pháp kể chuyện cho bé

* Sách nhìn hình đoán vật: Vừa xem hình ảnh vừa nói ra tên gọi và công dụng của đồ vật là những câu chuyện mà rất nhiều em bé thích thú. Trong tranh ảnh, có nhiều hình thể màu sắc phong phú sinh động đối với thị giác và những tình tiết câu chuyện đầy thú vị. Điều đó, không chỉ có thể kích thích sự lãnh ngộ của trẻ về cái đẹp, mà còn nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ từ những tình huống trong câu chuyện.
* Kết hợp đồng dao: Những bài đồng dao có âm luật là một cách thúc đẩy phát triển ngôn ngữ đầy thú vị đối với trẻ. Bạn vừa hát, vừa dùng tay làm những động tác đơn giản, có thể dẫn dắt sự chú ý của trẻ, giúp bé hiểu được sự vật, sự việc trong câu chuyện, câu hát từ những hình tượng cụ thể ở bạn.
* Suy nghĩ về chủ đề: Em bé của bạn thích nội dung ở phương diện nào thì hãy chọn sách cùng loại với phương diện đó hoặc là những quyển sách có hình ảnh mà trẻ thích. Bạn có thể vừa kể nội dung cho trẻ nghe, vừa giả giọng, mô phỏng tâm trạng của các nhân vật trong câu chuyện. Điều này có tác dụng rèn luyện rất tốt đối với năng lực ghi nhớ, logic, tưởng tượng… ở trẻ.
* Liên hệ với hiện thực: Hãy lấy nội dung trong câu chuyện liên hệ với cuộc sống hiện thực. Ví dụ, nếu bạn dẫn trẻ đi xem đàn rùa đang bơi trong hồ, bạn có thể thử hỏi: “Con xem đó có phải là rùa không? Con có nhớ trong truyện rùa chạy đua với thỏ, thì ai đã thắng nào?”. Làm như thế, có thể gợi lại hồi ức trong trẻ về câu chuyện hay vấn đề mà bạn từng kể cho bé nghe.

Những then chốt cần chú ý khi kể chuyện

Đầu tiên, bạn phải tập thành thói quen cho bé. Mỗi ngày, có thể chọn một thời gian và không gian cố định để kể chuyện cho bé nghe, ví như lúc sắp đi ngủ chẳng hạn. Một khi đã tạo thành thói quen thì bé mới dễ dàng đón nhận và kiên trì dài lâu.
Tiếp theo, hãy để quá trình kể chuyện trở nên thú vị. Khi kể chuyện cho bé nghe, bạn đừng xem chuyện này như một “công vụ” phải làm, giọng kể cứng nhắc, khô khan như đọc bài. Bởi vì, tuy bé đang nghe kể chuyện, nhưng đồng thời cũng là đang học hỏi. Vì vậy, khi kể chuyện, bạn phải biết “nhập vai” vào các nhân vật, đồng thời vận dụng mọi giác quan như mắt, tai, mũi, lỗ tai, não để thu hút sự chú ý của trẻ.
Sau cùng, hãy để trẻ tham dự vào quá trình kể chuyện. Bạn có thể cho trẻ được chọn câu chuyện mà bé yêu thích và muốn nghe. Khi trẻ đã quen thuộc với câu chuyện rồi, bạn có thể đặt ra nhiều câu hỏi, khích lệ bé tham gia trả lời về câu chuyện. Thậm chí, có thể phát huy sức sáng tạo ở trẻ, bằng cách để bé kể lại câu chuyện như nguyên bản, hoặc theo ý tưởng tượng khác của trẻ.
Ngoài ra, tuy cách thức kể chuyện của mỗi người có thể khác nhau, nhưng cần chú ý ba điểm: một là câu chuyện phải ngắn một chút, vì thời gian duy trì sự chú ý ở trẻ có hạn; hai là nhân vật chính của câu chuyện phải là người hay sự vật mà trẻ quen thuộc; thứ ba là tình tiết câu chuyện phải đơn giản, vì nếu quá phức tạp sẽ khiến trẻ khó hiểu và khó tiếp thu.
Lê Phương (tạp chí Bầu)








Nguồn SKĐS




Theo bau.vn