Trẻ từ độ tuổi ăn dặm thường nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bà mẹ về chế độ dinh dưỡng. Có người bỏ cả buổi để chế biến bột, cháo cho con nhưng bé lại không chịu ăn. Cha mẹ cũng không thể bắt buộc con ăn uống theo cách của mình mà phải trải qua quá trình thay đổi từ từ từng bước. Những lời khuyên sau đây của “Bầu” có thể sẽ giúp bạn “cải thiện” được tình hình trên.





<strong style="text-align: justify;">1. “Tôn trọng” sự ngon miệng[/B]
Trẻ nhỏ có xu hướng chỉ ăn khi đói. Nếu không đói, bạn không thể ép bé ăn dù chỉ một chút. Bởi vậy, đừng cố ép nếu như bé không ăn hết bát cháo hay đĩa bột. Việc này có thể tạo cho bé thói quen không tốt, hễ nhìn thấy đồ ăn là có phản xạ không muốn ăn vì chán.
2. Tạo thói quen ăn theo giờ
Điều này rất quan trọng bởi nó tạo ra “sự thích nghi” cho bé. Vào khoảng thời điểm đã định, bé sẽ cảm thấy đói và muốn ăn. Bạn không nên cho con ăn vào các giờ khác nhau hoặc cho bé ăn đủ thứ trước khi ăn bữa chính. Như vậy, cảm giác đói không còn, bé sẽ không ăn và khiến bạn lo lắng đến bực bội. Nên cho bé ăn trái cây trước bữa chính khoảng 1 tiếng là tốt nhất.

3. Phân chia thực phẩm hợp lý

Trẻ nhỏ cảm nhận rất tốt với màu và mùi thức ăn mới. Bạn không nên cho bé “nhai lại” một loại bột, cháo, mà cần thay đổi bữa ăn thường xuyên. Không nên cho tổng hợp tôm, thịt, cá, rau vào cùng một món. Tốt nhất, hãy chia đều các loại thực phẩm thành các bữa khác nhau trong ngày. Rau nên làm chín trước rồi xay ra để bé ăn ngon miệng.
4. Kích thích niềm vui
Từ 1 tuổi trở lên, bé đã biết nhận biết màu sắc và hình dáng đồ vật. Thay vì món rau xay nhỏ, bạn hãy thử luộc các loại củ rồi cắt thành những hình đơn giản, ngộ nghĩnh hoặc đổi sang các loại rau có hình dạng lạ mắt như xúp lơ, củ cải, đậu đỗ… để bé thích ăn hơn.
5. Để bé cùng tham gia
Với các bé lớn hơn, có thể cho bé tham gia đi chợ và chế biến đồ ăn cùng mẹ. Khi đi chợ, bạn hỏi bé thích ăn gì và cho bé thoải mái chọn lựa. Điều này sẽ kích thích cảm giác ngon miệng của bé.
6. Bạn phải làm gương
Cha mẹ nên có một chế độ ăn lành mạnh. Trẻ con rất dễ bắt chước, bởi thế, cách tốt nhất là bố mẹ phải làm gương trong việc ăn uống để bé học theo.

7. Kế hoạch “du kích”

Bạn nên bí mật cho một lượng vừa phải rau củ vào các món bé thích như thịt hầm hay súp để bé ăn dần cho quen. Những lần sau, bạn cho nhiều hơn, nhiều hơn chút nữa để tạo thói quen về vị giác cho con. Khi đã quen, thiếu rau sẽ làm bé cảm thấy không ngon miệng chút nào.
8. Gây sự chú ý
Trong bữa ăn, nên tắt tivi và yêu cầu bé không được chơi nữa. Bạn phải tạo thói quen chú tâm vào bữa ăn cho bé bằng cách, để bé ngồi vào bàn ăn, lấy bát và thìa rồi quy định với bé rằng, đây là đồ ăn của con…
9. Dẹp món tráng miệng sang bên
Không ít cha mẹ thường có cách ra điều kiện, như: “ Ăn hết tô cháo này mẹ mới cho con ăn hoa quả” hay “ Ăn nhanh lên rồi mẹ cho kẹo”… Điều này chỉ có tác dụng tức thời vì nó làm bé tăng sự chú ý vào hoa quả và kẹo chứ không chú ý vào bữa ăn của mình.

Diệu Thu (bau.vn)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn