Nguyên liệu sạch sẽ tạo nên những món mứt Tết vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa đậm đà hương vị thủ công cho các con và người thân. Khay mứt Tết đậm đà hương vị mứt thủ công với các loại mứt Tết tự làm.
Sau đây mình xin chia sẻ cách làm các loại mứt ngày tết cực đơn giản
1. Mứt dừa sữa.
Cách làm không quá phức tạp, mứt dừa vừa ngon, vừa hấp dẫn trong khay mứt Tết đủ sắc mầu. Trời lạnh, nhâm nhi mứt dừa hoặc thưởng thức cùng trà nóng hay café đều rất tuyệt.
Chọn dừa non, hoặc dừa bánh tẻ. Cạo bỏ phần vỏ đen bao quanh cùi dừa. Sau đó dùng dao nạo, nạo phần cùi dừa thành sợi. Các mẹ chú ý chọn dừa non, mềm thì khi nạo dừa sẽ cho ra những sợi dài, không bị gẫy, vừa đẹp mắt mà ăn thì mềm ngon, không quá cứng. Dừa nạo xong, ngâm vào nước muối loãng hoặc nước trắng tầm 30 phút, sau đó đem rửa thật kỹ, tới khi nước không còn dầu dừa, váng dừa nổi lên. Cùi dừa vớt ra, để ráo, ướp đường, sữa tươi, sữa đặc với tỉ lệ 1kg cùi dừa, 04-05 kg đường, 1 túi/hộp sữa tươi và một chút sữa đặc có đường. Dừa càng non, tỉ lệ đường càng nhiều hơn. Thời gian ướp từ 4-12 giờ tới lúc sợi dừa chuyển sang mầu trắng trong là được.
Mứt dừa là một trong những món có cách làm các món mứt ngày tết khá đơn giản.
Công đoạn khó nhất trong làm mứt dừa chính là sao khô. Dùng chảo dày, có đáy rộng để sao khô. Cho cả dừa và nước đường, sữa vào chảo, đảo đều tới khi chuyển thành hỗn hợp sền sệt màu trắng thì giảm nhỏ lửa. Mình sao khô bằng chảo chống dính 28cm, cứ 1 quả dừa thì sao khô 1 lần (tương đương 0,4- 0,5kg dừa cùi). Để thật nhỏ lửa, đảo đều tay cho tới khi xuất hiện những tấm nhỏ đường bám li ti vào bề mặt chảo thì tắt bếp rồi đảo tiếp. Độ nóng của chảo để dừa vừa đủ khô, dễ dàng bảo quản, ăn không quá cứng ngậy thơm vị sữa.

Mứt dừa: béo dừa, ngậy sữa, đậm đà khó quên. Có thể tạo hình bông hoa ngay khi vừa tắt bếp cho mứt dừa thêm hấp dẫn.
2. Mứt khế.
Theo bách khoa toàn thư mở, giá trị dinh dưỡng của khế không cao, trong 100gram khế chua chỉ có 35,7 calo, 800-1250mg các axit hữu cơ trong đó axit oxalic: 300-500mg, axit tartric 300-430mg, axit succinic 140-220mg, axit citric 100-130mg … Khế giầu vitamin C và các loại khoáng chất như kali, photpho, magie, canxi… có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tốt cho tiêu hóa. Vì vậy, mứt khế trong khay mứt Tết cũng là cần thiết các mẹ nhé. Trong các loại mứt ngày tết thì mứt khế này là rất tốt cho sức khỏe.
Chọn khế chua, quả còn xanh, không bị dập nát. Khế gọt bỏ cạnh, cắt thành từng múi, loại bỏ hạt và ruột rồi đem ngâm nước phèn chua có thêm chút muối. Sau 4-5 giờ xả nước, rửa sạch, ép bớt nước chua trong múi khế rồi cho vào nồi nước sôi trần qua để loại bỏ vị chua. Để ráo rồi ướp với đường trắng. Có thế dùng đường hoa mai cho mứt khế nhanh lên màu. Chọn nồi dày, rồi xếp khế vào trong, cứ 0.5kg khế chua ướp với 0,5 kg đường. Sau 1-2 giờ, đặt nồi lên bếp và bắt đầu rim khế cho tới khi đường sền sệt và khế ngả sang màu cánh gián thì cho gừng đã băm nhỏ vào đảo cùng. Khi đường quánh lại thì tắt bếp, để nguội rồi cho vào lọ ăn dần.

Mứt khế thanh ngọt, không ngấy là món ăn thích hợp cho thực khách và các mẹ trong dịp Tết.
3. Mứt gừng.
Gừng có vị cay, tính ấm. Trong gừng cũng có các loại khoáng chất như canxi, sắt, magie, phopho, kali, kẽm … cùng vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9 … có tác dụng tăng cường tuần hoàn huyết dịch, kích thích tiết dịch vị, hưng phấn ruột, xúc tiến tiêu hóa, chữa cảm lạnh, buồn nôn, ho do lạnh, vì thế trong khay mứt Tết không thể thiếu mứt gừng, vừa ấm bụng, vừa có tác dụng phòng ho trong tiết trời se lạnh đón Tết.
Chọn gừng non, củ to. Gừng gọt sạch, thái miếng mỏng rồi ngâm nước muối loãng từ 1-1,5 giờ. Vớt gừng ra, cho vào nồi đun sôi kèm nước cốt 1 -2 quả chanh để miếng gừng được trắng. Gừng non thì đun sôi từ 2-3 lần, mỗi lần trong vòng 3-7 phút. Gừng già hơn thì số lần đun sôi cho gừng bớt cay nhiều hơn. Sau đó, đổ gừng ra rổ, để khô rồi ướp đường với tỉ lệ 0.5kg gừng tươi sử dụng 0.4- 0,5kg đường trắng. Thời gian ướp gừng từ 4-10 giờ sau đó cho lên bếp đun. Đun nhỏ lửa, đảo nhẹ cho đến khi đường sền sệt bám quanh miếng gừng. Đảo đều tay cho tới khi xuất hiện những hạt đường nhỏ bám trên miếng gừng là được. Để nguội, cho vào lọ dùng dần.
Để mứt gừng không có xơ chúng mình nên chọn gừng non, không thái quá mỏng làm cho miếng mứt bị cong lại khi sao khô.

Mứt gừng: cay nồng nàn, ấm bụng trong tiết trời se lạnh.
Với 3 món mứt đơn giản, dễ làm, hi vọng sẽ cùng các mẹ đón Tết Giáp Ngọ với hương vị mứt thủ công. Có thể, mứt Tết tự tay làm, không trắng đẹp như mứt mua về, có thể bạn phải bỏ thời gian và một chút công sức, có thể mứt tự làm chưa được ngon lắm … nhưng hơn tất cả đó là món ăn bạn nấu dành cho gia đình, giữa bộn bề mứt Tết bẩn không rõ nguồn gốc, tráo nhãn mác Trung Quốc thành nhãn mác Việt Nam thì những người thân yêu của bạn yên tâm thưởng thức mứt sạch. Đó là tình yêu bạn dành cho con, gia đình và người thân quen.
Xem thêm cách làm các loại mứt tết khác cũng rất hấp dẫn.