Ngay sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da có biểu hiện như đỏ, phồng rộp, đau rát,... nên ngâm vùng da trong nước lạnh để nhanh chóng giảm nhiệt tại chỗ.





Dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè, nếu thường xuyên phải làm việc hoặc đi lại ngoài trời có thể gây ra tình trạng cháy nắng, nám, tàn nhang, nổi mụn,... nghiêm trọng hơn, khi da bị tác động quá mạnh của tia mặt trời sẽ dẫn đến tình trạng bỏng nắng rất có hại và tồn tại lâu trên da.

Ngay sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da có biểu hiện như đỏ, phồng rộp, đau rát,... nên ngâm vùng da trong nước lạnh để nhanh chóng giảm nhiệt tại chỗ. Nước mát sẽ giúp da hạ nhiệt và làm chậm quá trình cháy nắng. Có thể tắm bằng vòi hoa sen để làm dịu diện bỏng. Sau đó dùng khăn sạch mềm để thấm khô da. Sau khi thấm khô vùng da bị bỏng nắng, nếu có điều kiện có thể bôi kem dưỡng ẩm được chiết xuất từ thảo dược để làm dịu da, dưỡng ẩm và tái tạo những tế bào bị tổn thương. Sau khi dưỡng ẩm da từ bên ngoài, bạn cần làm mát da từ bên trong bằng cách uống nhiều nước. Da khỏe mạnh cần có một lượng nước vừa đủ (1,5 - 2 lít mỗi ngày), da bị bỏng nắng, nước càng trở nên quan trọng hơn. Uống nhiều nước hơn bình thường sẽ làm mát da từ bên trong, giúp da được tái tạo. Uống thêm nước hoa quả để bổ sung vitamin.



Da bị cháy nắng, bỏng và bị tổn thương, bong tróc lớp biểu bì trên cùng do bỏng nắng.
Khắc phục da bị bỏng nắng: Khi da bị bỏng nắng, hằng ngày có thể sử dụng thảo dược sau để đắp lên vùng da bị tổn thương:

Dưa hấu: Lấy phần thịt dưa hấu sát vỏ, màu trắng xanh, có thể ướp lạnh và đắp lên chỗ bỏng da rất hiệu quả. Bạn sẽ thấy da bớt rát đỏ nhanh chóng.

Sữa chua không đường: Dùng sữa chua đã được giữ lạnh ở ngăn mát, thoa đều lên vùng da bị cháy nắng và đợi cho đến khi khô thì tắm sạch.

Khoai tây: Lấy 1 củ khoai tây rửa sạch, gọt vỏ cắt từng lát khoai tây sống đắp lên chỗ da bị bỏng. Khoai tây chứa những hợp chất làm mát và giảm sưng tấy.

Trà: Có thể lấy nước trà xanh để nguội hay bã trà đã pha đều có thể dùng để đắp lên vùng da bỏng nắng.

Nếu diện bỏng bắt đầu xuất hiện phỏng nước hoặc nếu có biểu hiện ngứa, rát đỏ, sốt, bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Khi da bị bỏng nắng, cần giữ nguyên các phỏng nước để phòng nhiễm khuẩn. Nếu các phỏng nước bị vỡ, bôi lên đó mỡ kháng sinh và để hở. Nếu cần thiết, có thể dùng thêm thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Không dùng mỡ, kem hoặc các thuốc Đông y không rõ nguồn gốc bôi lên diện bỏng.

Để phòng bỏng nắng và tổn thương da, khi ra ngoài nắng, đặc biệt là tầm trưa, làn da nên được che chắn bảo vệ kĩ càng. Việc bôi kem chống nắng là rất quan trọng để hạn chế tác hại của các tia tử ngoại lên da. Nên chú ý là phải bôi kem trước khi ra ngoài 15-30 phút mới có tác dụng. Sử dụng thêm các biện pháp phòng chống khác như đội mũ rộng vành, đeo kính râm, dùng son dưỡng, áo chống nắng giúp hạn chế tác động của ánh nắng đến da.
Theo SKDS

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn