Dể giúp mẹ khỏe con khỏe thì trước khi sinh, bạn nên thực hiện tốt một số khuyến cáo dưới đây.





Mọi phụ nữ đều có quyền làm mẹ, kể cả nhóm mắc bệnh nan y, trong đó có bệnh tiểu đường tuýp I hoặc II. Tuy nhiên, để giúp mẹ khỏe con khỏe thì trước khi sinh, bạn nên thực hiện tốt một số khuyến cáo dưới đây.
1. Những việc cần chuẩn bị

Khoảng 3 -6 tháng trước khi có ý định thụ thai, nên tư vấn bác sĩ và làm một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm A1C xem bệnh tiểu đường đã được kiểm soát chưa, nhất là trước khi ngưng sử dụng thuốc tránh thai để có em bé.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu, để biết nguy cơ mắc bệnh thận liên quan đến tiểu đường.
- Xét nghiệm các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch, hệ thống thần kinh, các cơ quan khác trong cơ thể do bệnh tiểu đường gây ra.
- Kiểm tra huyết áp, xét nghiệm mỡ máu (cholesterol và trygriceride).
- Nếu mắc bệnh tiểu đường tuýp I, nên kiểm tra các triệu chứng bệnh tuyến giáp.
- Kiểm tra mắt, để biết nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc, tăng nhãn áp…
- Tư vấn các vấn đề liên quan đến thụ thai và những điều cần làm trước khi mang thai.

2. Quản lý tốt trọng lượng cơ thể
Cố gắng duy trì trọng lượng cơ thể ở ngưỡng hợp lý nhất trước mang thai. Nếu thừa cân sẽ hạn chế các biến chứng của bệnh tiểu đường. Nếu quá gầy, cần phải tăng cân để đạt mức trọng lượng hợp lý cho thai kỳ an toàn, tránh em bé sinh ra bị nhẹ cân hay thiếu tháng.
3. Thay đổi lối sống
Bạn nên áp dụng lối sống tích cực, ngưng uống rượu và bỏ thuốc lá trước khi mang thai. Nicotine và các hóa chất nguy hiểm trong thuốc lá truyền qua nhau thai, có thể phát sinh những hiệu ứng tiêu cực như: hủy hoại phổi hoặc hệ thống hô hấp của bé, tăng rủi ro sinh non và nhẹ cân, tăng nhịp tim em bé, triệt tiêu oxy của cả mẹ lẫn con. Việc lạm dụng rượu bia có thể làm tăng dị tật bẩm sinh như chậm phát triển tâm thần.
4. Sử dụng vitamin
Trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ, chị em cần khoảng 400mcg acid folic/ ngày. Vì vậy, hãy bổ sung acid này mỗi ngày ngay trước khi thụ thai một tháng, giúp giảm rủi ro mắc các khuyết tật ống thần kinh cho trẻ.
5. Kiểm soát đường huyết
Lượng đường trong máu cần được kiểm soát và đưa về ngưỡng an toàn trước khi thụ thai. Trong 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, nếu lượng đường huyết cao có thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh và các biến chứng tiểu đường cho bé. Ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng gì, bạn cũng nên làm xét nghiệm tiểu đường ở tuần thứ 24 của thai kỳ.
6. Sử dụng đúng thuốc chữa bệnh
Trường hợp mắc bệnh tiểu đường, cần bổ sung thêm nhiều insulin trong 3 tháng cuối thì nên chuyển sang tiêm, nhằm hạn chế phản dứng phụ cho em bé do thuốc uống gây ra. Nếu phải dùng thuốc trị cao huyết áp, nên tư vấn dùng nhóm thuốc an toàn, để hạn chế tổn hại đến thai nhi.
7. Kiểm soát chế độ ăn uống
Cần điều chỉnh hợp lý chế độ ăn uống để ngăn chặn biến động đường huyết. Khi mang thai, phải tiêu thụ nhiều calo hơn bình thường, nên bạn cần ăn uống hợp lý, đủ chất. Có thể tư vấn dinh dưỡng để lập kế hoạch cho phù hợp, không kiêng khem quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con.
Khắc Nam (Bau.vn)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn