Càng gần ngày sinh, bạn càng lo lắng xen lẫn mong chờ con yêu chào đời. Bạn tìm hiểu, và cũng nghe rất nhiều kinh nghiệm rỉ tai về quá trình chuyển dạ và sinh con. Nhưng có những điều trong số đó cũng chẳng mấy chính xác.






Lần chuyển dạ thứ hai sẽ dễ dàng hơn lần đầu

Thường là thế, nhưng không phải là luôn như thế. Nếu khoảng cách giữa hai lần mang thai của bạn là vài năm, lần chuyển dạ này cũng không nhanh hơn là mấy như bạn nghĩ. Có khi, một phụ nữ từng sinh hơn một em bé phải sinh mổ vì em bé không nằm đúng ngôi để có thể sinh thường an toàn, hoặc bé quá to so với bé trước.

Cơn gò do thuốc gây co tử cung tệ hơn cơn gò tự nhiên

Điều này không đúng. Thuốc gây co tử cung (như Pitocin – dùng để gây chuyển dạ) tạo cơn co mô phỏng cơn gò chuyển dạ tự nhiên. Lượng thuốc bạn được truyền vào được theo dõi để đảm bảo tạo ra các cơn gò có cường độ gần với tự nhiên nhất.

Bác sỹ sản sẽ luôn ở cạnh bạn từ khi nhập viện

Đừng mong đợi điều đó, họ có nhiều thai phụ và sản phụ khác để lo và nhiều việc khác để làm, chỉ khi bạn đã lên bàn đẻ và chuẩn bị sinh con, họ mới xuất hiện cạnh bạn. Trước và sau quá trình đỡ đẻ, bạn hầu như chỉ gặp y tá, hộ sinh và điều dưỡng mà thôi.

Thức ăn cay sẽ thúc đẩy chuyển dạ

Chỉ một từ thôi: Sai! Đơn giản là vì điều này đã được chứng minh khoa học chỉ là một tin đồn thất thiệt. Nếu mấy ngày này bạn thấy thèm món gì cay cay, thì cứ ăn vô tư thôi.

Rặn đẻ còn đau hơn gò nhiều

Khi đầu bé bắt đầu lọt ra qua âm đạo khiến các mô và cơ âm đạo bị kéo giãn hết mức tạo nên cảm giác rát bỏng có tên gọi “chiếc vòng lửa”. Mặc dù cảm giác khi rặn đẻ hiển nhiên là đau, nhưng những cơn gò thực sự đau đớn hơn nhiều. Nhiều phụ nữ đã từng kinh qua sinh nở cho biết họ cảm thấy đỡ đau hơn khi bước vào giai đoạn rặn đẻ. Giai đoạn sinh con đỡ đau đớn hơn chuyển dạ một phần cũng do lúc này các biện pháp giảm đau như gây tê đã được áp dụng.

Gây tê ngoài màng cứng làm tăng nguy cơ phải mổ đẻ

Chuyển dạ và sinh nở không nhanh như trong phim. Một sản phụ thường mất đến vài giờ vật lộn với cơn đau đẻ, vì vậy gây tê ngoài màng cứng để giảm đau không có nghĩa là ca sinh của bạn có vấn đề hay bạn cần mổ đẻ. Dù vậy, nếu lần sinh nở trước của bạn diễn ra nhanh chóng, nhiều khả năng lần sinh nở này của bạn cũng sẽ nhanh gọn, điều đó có nghĩa là bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc có cần thiết phải gây tê ngoài màng cứng hay không (nếu bạn nghĩ là mình có thể chịu đau được).

Ngay khi có cơn gò, hãy nhập viện ngay!

Bạn nên làm vậy nếu các cơn co thắt mạnh lên đột ngột và liên tục, nhưng điều này ít gặp ở lần chuyển dạ đầu tiên và là khá bất thường ở lần thứ hai. Trong phần lớn trường hợp bạn không cần đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các cơn gò, dù sao thì việc trải qua những cơn gò đầu tiên của giai đoạn chuyển dạ sớm ở nhà cũng dễ chịu hơn nhiều so với vật vã hàng giờ ở bệnh viện. Tốt nhất hãy hỏi bác sĩ trong những lần khám thai cuối để được hướng dẫn khi nào thì bạn cần nhập viện.

Tuột nút nhầy cổ tử cung tức là bắt đầu chuyển dạ

Nút nhầy chặn cổ tử cung được tạo ra bởi các tuyến cổ tử cung, nó không dính liền và không phải là một phần túi ối chứa thai nhi. Vì vậy, nút nhầy cổ tử cung tuột ra không có nghĩa là bạn bắt đầu chuyển dạ.

Chẳng thể làm gì để khiến chuyển dạ dễ chịu hơn

Quá trình chuyển dạ chịu ảnh hưởng từ cơ thể, tâm trí và cảm xúc, nên bạn có thể chuẩn bị bản thân theo nhiều cách trước khi chuyển dạ. Làm thế nào bạn có thể chuẩn bị cơ thể mình tốt nhất cho việc sinh nở? Điều quan trọng là phải tìm ra cách phù hợp nhất với bạn. Hãy đọc những bài viết, sách dành cho bà mẹ mang thai và quan trọng nhất là trao đổi với bác sĩ sản mà bạn theo khám để tìm ra câu trả lời cho mình.



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn