Từ tuổi lên hai, trẻ đã có suy nghĩ độc lập và luôn muốn khẳng định mình. Bé nhìn ngắm thế giới bằng con mắt riêng, mong được làm việc này, việc kia theo cách của mình chứ không theo sự “chỉ đạo” của bố mẹ. Đó chính là lý do tại sao bé luôn tỏ thái độ “bất hợp tác” và không muốn nghe lời người lớn. Tuy bé giữ thái độ như thế nhưng bạn vẫn có thể “thiết quân luật” bằng những cách riêng.





Những điều cần làm…
- Giải thích rõ lý do tại sao bé nên “hợp tác” với cha mẹ. Sử dụng những từ ngữ đơn giản, tránh dài dòng để bé dễ hiểu, ví như việc cất dọn đồ chơi giúp nhà cửa không bừa bộn và không bị hỏng. Khi được giải thích kỹ càng, bé sẽ thấy được lợi ích của hành động này chứ không phải là bị bố mẹ bắt dọn dẹp.
- Kiên quyết và biến lời “cảnh cáo” của bạn thành hiện thực nếu bé luôn tìm cách trốn tránh các yêu cầu. Khi đã nói với bé rằng nếu đi ngủ muộn, ngày mai sẽ không được chơi đồ chơi nữa nhưng bé vẫn bướng bỉnh không chịu lên giường, hãy thực hiện ngay lời “cảnh cáo” của mình. Có nghĩa, bạn kiên quyết không cho bé chơi đồ chơi vào ngày hôm sau.
- Luôn động viên, khen ngợi nếu bé có thái độ “hợp tác” và biết nghe lời. Những lời khen ngợi này có tác dụng khuyến khích tinh thần, giúp bé biết cách “cư xử” tốt trong những lần sau.
- Khen thưởng và phạt trẻ phải đúng thời điểm. Nếu bạn có ý định đưa ra những lời khen hoặc phạt, hãy thực hiện ngay sau những hành động tốt hoặc xấu của trẻ. Nếu để quá xa thời điểm trẻ mắc lỗi hoặc nghe lời, lời khen (hoặc khiển trách) sẽ không đạt được hiệu quả cao.

…và không nên làm

- Ép trẻ phải hợp tác: Vì là người lớn nên tất nhiên, bạn có quyền và có thể bắt trẻ làm theo ý mình. Tuy nhiên, đây chỉ là cách tạm thời và trẻ sẽ tiếp tục mắc lỗi vào những lần tiếp theo.
- Gợi ý trẻ nên nghe lời theo mọi yêu cầu của người lớn: Ở tuổi này, trẻ đã biết “đánh giá” giá trị bản thân. Bởi vậy, giải thích để trẻ hiểu được những lợi ích khi biết làm theo lời người lớn chứ không phải làm vì bị ép buộc.
- Giả vờ dọa dẫm: Khi trẻ không nghe lời, bạn dọa bé đủ điều nhưng thực tế, bạn lại chẳng bao giờ thực hiện lời nói của mình. Điều này khiến bé “nhờn” với những lời dọa, khiến nó trở nên vô tác dụng.
- Ngại “thỏa hiệp” với trẻ: Đôi khi, trẻ chỉ tỏ thái độ ương bướng, bất hợp tác vì muốn thể hiện cái “tôi” và sự độc lập của mình. Nếu vấn đề không nghiêm trọng lắm, hãy chấp nhận sự thỏa hiệp bởi các quy tắc đều phải linh hoạt và có thể “phá vỡ” trong những trường hợp đặc biệt.

Với những trẻ “ngang bướng”, đôi khi chúng sẽ khiến bạn nổi khùng hoặc phát điên. Những lúc ấy, hãy ra khỏi phòng vài phút và chờ cho cơn “bốc hỏa” của mình dịu lại. Sau đó, bạn mới nên quay trở lại tìm con và sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm ra cách để “ứng phó” với trẻ. Những phương pháp trên đây không đảm bảo sẽ “trị” được các bé… cứng đầu vào mọi thời điểm hoặc khiến bé dễ bảo hơn ngay lập tức. Nhưng, nó sẽ có những hiệu quả tích cực nếu được sử dụng thường xuyên, hợp lý và giúp các bé thay đổi dần dần để biến sự chống đối thành hợp tác và thân thiện.
Ly Vũ (bau.vn)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn