Có thể mới đây, bạn còn đang buồn phiền vì con chẳng nói được câu nào. Vậy mà bây giờ, bé đã có thể líu lo suốt ngày mà không biết chán. Bé liên tục hỏi bạn từ câu này đến câu khác, thậm chí, còn xen vào chuyện của người lớn đến mức làm bạn phát bực. Đã đến lúc, bạn cần phải dạy con về phép lịch sự trong giao tiếp để bé không tùy tiện sử dụng ngôn ngữ một cách “vô tổ chức”.





Học cách lắng nghe
Cha mẹ cần giải thích để bé hiểu được rằng, một cuộc nói chuyện đúng phép tắc là một cuộc hội thoại hai chiều, những người tham gia vừa được nói nhưng cũng đồng thời phải biết lắng nghe. Bé mong muốn người khác nghe mình nói thì họ cũng muốn được bé lắng nghe như vậy. Nếu cứ thao thao bất tuyệt một mình mà chẳng chịu nghe mọi người, bé sẽ bị coi là bất lịch sự và không ngoan tí nào. Và, những đứa trẻ hư thì chẳng bao giờ được mọi người yêu quý cả.
Hãy tập luyện cho bé bằng những cuộc nói chuyện ở nhà. Khi bé nói chuyện, hãy thể hiện sự tập trung của bạn bằng cách nhìn thẳng vào mắt con, thỉnh thoảng gật hoặc lắc đầu để tán thành hay phản đối ý kiến mà bé vừa nêu ra. Những biểu hiện khác trên khuôn mặt như nở nụ cười, nheo mắt, nhăn mũi… cũng thể hiện thái độ của bạn với những điều bé nói. Nhờ đó, bé sẽ học được cách thể hiện và tập trung giống y như bạn khi lắng nghe người khác trò chuyện. Ngoài ra, trẻ cũng cần học những kỹ năng phát triển cuộc hội thoại bằng cách tỏ rõ sự quan tâm của mình tới vấn đề mà người đối diện đang nói. Các bé không thể tự nhiên phát triển kỹ năng này vì chúng thường quan tâm tới cảm xúc của bản thân hơn nên rất cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Vì vậy, hãy chỉ cho con cần phải làm gì trước những thông tin nhận được. Ví dụ, bạn nói: “Con yêu à, mẹ vừa làm đứt chuỗi vòng cổ mà mẹ thích nhất rồi” và chờ đợi xem phản ứng của bé thế nào. Nếu bé không biết nói gì, bạn có thể gơi ý cho con hỏi lại, chẳng hạn như “Điều đó có làm mẹ buồn lắm không” hoặc “Mẹ có nối được chiếc vòng đó lại không”…

Cân nhắc kỹ lưỡng trong mỗi lời nói

Cho dù, bạn luôn nhắc nhở bé phải trung thực, không được nói dối nhưng sẽ đến lúc, trẻ cần phải học cách xem xét, cân nhắc những lời nhận xét của mình với những người khác. Chẳng hạn, chuyện của bé Cún sau đây là một ví dụ.Bữa ấy, bé Cún nhà cô Hoa bỗng dưng thích thú và hét lên với mẹ rằng, có một cô áo đỏ vừa đi qua trông rất béo. Sau lời nhận xét chẳng “tế nhị” ấy, cô gái kia quay lại nhìn Cún bằng một ánh mắt thiếu thiện cảm, mặc dù bạn Cún mới 4 tuổi. Đến chiều, khi họ hàng nhà Cún tập trung lại nhà bạn ấy để ăn giỗ bà nội, Cún lại thắc mắc với mẹ trước toàn bộ “bá quan văn võ” là tại sao trên mặt bác Tô (anh ruột của bố Cún) lại có nhiều những vết mụn đỏ đến thế. Mọi người nghe xong ồ lên cười, nhưng bản thân bác Tô lại tỏ ra bối rối. Mẹ cố gắng đánh trống lảng sang chuyện khác nhưng Cún vẫn cứ cố tình hỏi mẹ bằng được cho “ra ngô ra khoai”. Thế nên, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu rằng, không nên đánh giá hình thức của người khác vì ai cũng có những ưu hoặc nhược điểm trên cơ thể mình. Nếu ai đó bị mọi người cười nhạo hay bình luận về những khuyết điểm thì chắc hẳn, họ sẽ rất buồn hoặc xấu hổ. Nếu bị mọi người trêu chọc như thế, bé có thích không nào?

Ngắt lời người khác là rất xấu

Bé chỉ thích là người được nói và luôn có ý định ngắt lời bạn hay mỗi khi bạn định đưa ra ý kiến, bé lại cố tình nói thật to, thậm chí, hét váng để át tiếng bạn. Bạn ít có cơ hội được nói vì bé luôn tìm mọi cách để tranh phần?... Nếu điều đó xảy ra và những lần sau đó, bạn vẫn bị bé “lấn át”, hãy hành động ngay! Đầu tiên, có thể chỉ là việc giơ tay “suỵt” trên miệng và tỏ thái độ nghiêm khắc với bé. Tiếp theo, hãy cứ tiếp tục nói và thể hiện thái độ của mình cho tới khi đã nói xong. Dần dà, bé sẽ hiểu được việc ngắt lời người khác là không tốt và cần phải chấm dứt ngay. Nhưng nếu bé vẫn cứ cố tình? Lúc này, biện pháp cứng rắn nhất là cha mẹ nên rời khỏi cuộc hội thoại và không cần để ý đến những lời bé nói nữa, hoặc dùng phương pháp “lấy độc trị độc”. Khi bé nói, bạn cũng tìm cách xen vào hoặc ngắt lời và hỏi bé xem, cảm giác của con thế nào. Sau đó, bạn mới giải thích để bé hiểu được là mọi người cũng có cảm giác y như vậy khi bị bé cắt ngang câu chuyện.

Đây cũng là thời điểm trẻ cần được bố mẹ chỉ bảo rõ ràng những cuộc nói chuyện phải đúng nơi, đúng chỗ chứ không phải lúc nào cũng có thể vô tư trò chuyện với nhau. Trước khi đến những nơi công cộng, như rạp chiếu phim hay ở bệnh viện chẳng hạn, bạn nên dặn dò và nêu rõ lý do vì sao cần phải im lặng hoặc nói năng nhẹ nhàng để bé hiểu. Khi ấy, bé cần phải giữ im lặng hoặc nếu có nói thì nên thật nhỏ nhẹ, vừa đủ để người bên cạnh nghe thấy. Bạn cũng cần kiên nhẫn và cho con thời gian để học hỏi chứ không thể mong trẻ có thể tiếp thu những điều trên một cách mau lẹ.
Linh Vũ (bau.vn)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn