Luyện tập thể dục thể thao luôn đem lại sức khỏe và vẻ đẹp cho phụ nữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cố duy trì việc này thường xuyên. Theo các chuyên gia, chị em nên tránh một số thời điểm nhất định để không gặp phải những phiền toái có thể xảy ra.





* Khi cơ thể nôn nao: Theo TS. Rich Mayo (TT đào tạoRoswell -Georgina) thì sau một đêm “chè chén”, chất điện phân chưa cân bằng, nên tập luyện quá sức có thể khiến cơ thể tồi tệ hơn. Lúc này, bạn cần xem là mình có nôn nao, chóng mặt hay không. Nếu cảm thấy quá khó chịu, hãy nghỉ ngơi cả ngày hoặc chỉ dạo bộ và tập luyện nhẹ nhàng. Bạn cũng cần uống nhiều nước lọc và nước hoa quả để tránh những ảnh hưởng khác.
* Bị đau do tập luyện: Những ngày đầu tập luyện, bạn có thể bị đau cơ. Nếu chỉ đau thông thường, hãy thay đổi cường độ và hình thức tập luyện để cơ thể làm quen dần dần. Theo TS. Kate (Toronto), bạn nên tìm hiểu nguyên nhân những cơn đau để thay đổi theo hướng thích hợp hơn. Ví dụ, nếu bị đau do tập tạ, bạn hãy dừng hẳn việc tập tạ và thay bằng những môn tập khác vận dụng cơ bắp ít hơn hoặc tập Yoga.

* Hiểu được sức khỏe mình
: Theo các chuyên gia, một số bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp bạn phòng tránh cảm cúm. Nhưng nếu đang ho hoặc bị sốt, bạn nên nghỉ tập và không ra ngoài trời cho tới khi hết bệnh. Điều quan trọng là phải “hiểu” được cơ thể của mình, vì có người cảm thấy khỏe khoắn hơn sau khi tập trong lúc đang ốm, nhưng có người lại thấy mệt mỏi thêm. Nếu đang phải dùng thuốc điều trị, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, vì hoạt động thể chất có thể giảm tác dụng của thuốc, tăng nguy cơ chấn thương hoặc làm trầm trọng thêm một số loại bệnh.
* Lúc vừa ăn xong: Tập thể dục ngay sau bữa ăn là không hề tốt. Nhưng đôi khi, bỗng dưng bạn lại có “hứng thú” tập luyện lúc vừa ăn xong. Thực ra, một số hoạt động như đi bộ chậm rãi hay đạp xe, lại rất thích hợp với cái dạ dày căng no. Nhưng nếu tập luyện các bài thể dục khác, bạn sẽ rất dễ bị đau bụng và tự chuốc lấy mỏi mệt.
* Khi “đến tháng”: Chị em thường phải trải qua thời kỳ “đèn đỏ” hàng tháng. TS. Mayo cho rằng, với một số phụ nữ, “chu kỳ” khiến cho lượng sắt trong cơ thể thấp, làm tăng sự mệt mỏi. Vì thế, bạn hãy điều chỉnh bài tập sao cho phù hợp với sức khỏe lúc ấy của mình. Tập luyện vừa sức và phù hợp không chỉ tăng cường thể lực, mà còn có thể xua tan những cảm xúc tiêu cực, giảm stress cho bạn trong giai đoạn nhạy cảm này.

* Thời điểm mang bầu:
Theo TS. Mayo, nếu trước lúc mang thai, bạn thường xuyên luyện tập thể dục thì hãy tiếp tục duy trì chương trình tập luyện ấy trong thai kỳ. Nếu không, bạn cũng có thể bắt đầu những bài vận động như đi bộ, thể dục nhẹ nhàng. Điều này rất có lợi cho thai nhi và cả sức khỏe bà bầu. Tuy nhiên, bạn không nên thực hiện những bài tập với cường độ mạnh hoặc buộc phải uốn cong người nhiều. Để không ảnh hưởng đến thai nhi, trước khi thực hiện các bài tập thể dục, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, nhất là với những người đã từng sảy thai, tiền sản giật…
Diệu Ly (bau.vn)







Nguồn SKĐS




Theo bau.vn