Các ông bố, bà mẹ luôn lo sợ em bé thường chạm vào mọi thứ xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Những căn bệnh truyền nhiễm rõ ràng là mối lo ngại, nhưng đôi khi chúng ta đang bảo vệ con một cách thái quá.





Giả thuyết về vấn đề vệ sinh
Theo gợi ý từ nhiều nghiên cứu, để trẻ sơ sinh tiếp xúc với vi trùng có thể lại đem đến cho chúng sự bảo vệ tốt hơn về sau trước những căn bệnh như dị ứng, hen suyễn… Hạn chế việc tiếp xúc với vật ký sinh, vi khuẩn và virut khi còn nhỏ thì lúc trưởng thành, trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng, tiêu chảy và những bệnh tự miễn dịch khác. Thực tế, đa số các bé được sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn lại ít mắc bệnh dị ứng hơn rất nhiều so với những đứa trẻ được chăm sóc quá mức.
Giáo sư Thom McDade, GĐ Thư viện nghiên cứu về con người - ĐH Northwestern, cho biết: “Bộ não của trẻ cần được khuyến khích, tiếp thu và phản ứng để phát triển bình thường. Còn hệ thống miễn dịch thường hoạt động hiệu quả hơn khi trẻ tiếp xúc với vi trùng hàng ngày. Bằng cách này, trẻ có thể học, thích nghi và tự điều chỉnh”. Các nhà nghiên cứu chưa xác định được chính xác loại mầm bệnh nào nằm ngoài vùng ảnh hưởng của thuyết vệ sinh trên. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới cũng tìm ra một số manh mối. Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học do giáo sư McDade đứng đầu đã phát hiện ra rằng, trẻ tiếp xúc với phân động vật và thường xuyên mắc bệnh tiêu chảy trước 2 tuổi thường ít nguy cơ bị viêm nhiễm khi trưởng thành. Các chứng viêm nhiễm lại có liên quan đến các căn bệnh nghiêm trọng sau này như bệnh tim, béo phì và bệnh tâm thần.
Chúng ta đang suy nghĩ sai lệch, rằng hệ thống miễn dịch chỉ liên quan đến các bệnh dị ứng, hen suyễn, các bệnh tự miễn dịch nên không nhận thức được vai trò của nó đối với các bệnh về viêm nhiễm và các bệnh liên quan đến thoái hóa khác. Giáo sư McDade nhấn mạnh: “Việc tiếp xúc với vi sinh vật khi còn nhỏ khá quan trọng để kiểm soát viêm nhiễm lúc trưởng thành”.


Diệt mầm bệnh có thực sự nâng cao sức khỏe?
Nhiều đề xuất và nghiên cứu về vệ sinh cho thấy, vi sinh vật trong bụi vẫn có ích cho sức khỏe của con người. Theo giáo sư Martin Blaser (khoa Nội - ĐH Newyork), hầu hết vi trùng có mặt trong môi trường sống không những vô hại mà còn tồn tại cùng chúng ta hàng nghìn năm. Khi cách sống của con người thay đổi trong vòng nửa thế kỷ qua, rất nhiều vi sinh vật sống trong ngõ hẻm, bụi rậm đang dần biến mất. Những vi sinh vật này đóng vai trò vật lý quan trọng nhưng trong cuộc sống hiện đại, chúng biến đổi và dần biến mất. Sự biến mất này vừa tốt vừa không tốt.
Khi vệ sinh tổng thể môi trường để bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, chúng ta lại lấy đi cơ hội giúp trẻ tăng cường hệ thống miễn dịch. Thêm vào đó, các chiến dịch vệ sinh quá tích cực sẽ làm trẻ không còn cơ hội tiếp xúc với vi sinh vật có ích. Thế nên có một thực tế, giống như việc sử dụng quá nhiều kháng sinh, sẽ làm cho trẻ yếu đi chứ không hẳn khỏe mạnh hơn được. Điều này dẫn tới một khả năng, chúng ta đang đi sai hướng và quá xa giới hạn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.


Cha mẹ nên làm gì?
Về vấn đề giữ môi trường sống hoàn toàn không có vi trùng, giáo sư McDade cho biết: “Tôi muốn đính chính lại để dễ hiểu là bạn không cần phải rửa hoặc làm sạch mọi thứ. Cần giữ đồ dùng trong nhà sạch sẽ nhưng nếu sử dụng chất hóa học quá nhiều để làm sạch mọi thứ, có thể gây hại đến sức khỏe con bạn hơn bất kỳ loại mầm bệnh còn rớt lại nào”. Còn giáo sư Blaser nhấn mạnh, cha mẹ và các nhà vật lý nên cẩn thận cân nhắc xem, liệu có nên dùng kháng sinh để điều trị khi trẻ bị sốt hay mắc một số bệnh khác. Việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chính làm suy nhược hệ thống miễn dịch đối với các căn bệnh truyền nhiễm. Do vậy, việc giữ cho môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh một cách hợp lý là cần thiết. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên bao bọc con trẻ quá mức bởi cũng như mọi vấn đề khác trong cuộc sống, “sự cân bằng” chính là cách tốt nhất để giúp con bạn thực sự khỏe mạnh.



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn