Màu nước phản ánh chính xác tình trạng chất lượng nước trong ao; trong quá trình nuôi, màu nước có thể biến đổi, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức nhận biết để đánh giá chất lượng nước một cách chính xác và đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời.

Màu nước ao tôm ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe vật nuôi - Ảnh: Thanh Ngân

Nhân tố ảnh hưởng

Màu nước trong ao nuôi thể hiện các chỉ số của các yếu tố môi trường đang ở ngưỡng thích hợp hay ở mức báo động đối với sức khỏe của động vật thủy sản. Nước trong ao nuôi thường có màu do sự xuất hiện của các hợp chất hữu cơ hòa tan hay không hòa tan, hay do sự phát triển của tảo.


Trong ao nuôi thường có các màu sau:

Màu xanh nhạt (đọt chuối non): Do sự phát triển của tảo lục (Chlorophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ nhạt (< 10‰). Đây là màu nước thích hợp nhất để nuôi thủy sản, tảo lục ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, còn có tác dụng ổn định các yếu tố thủy lý - hóa trong ao, hấp thu các chất hữu cơ thông qua đó làm giảm lượng khí độc trong ao. Người nuôi nên cố gắng duy trì màu nước xanh nhạt, như vậy các loài thủy sản sẽ phát triển tốt hơn. Tag: tăng cường oxy đáy

Màu xanh đậm (xanh rêu): Do sự phát triển của tảo lam (Cyanophyta), loài tảo này phát triển mạnh cả trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn. Nếu nước trong ao nuôi có màu này thì cần có biện pháp làm giảm lượng tảo; bởi, nếu tảo lam phát triển quá mức có thể tiết ra chất độc làm chết cá và còn có thể gây thiếu ôxy về đêm do tảo hô hấp quá mức.

Màu vàng nâu (màu nước trà): Do sự phát triển của tảo silic (Bacillariophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh ở môi trường nước lợ, mặn vào đầu vụ nuôi; đây là màu nước thích hợp nhất để nuôi các loài thủy sản nước lợ, mặn.

Màu vàng cam (màu gỉ sắt): Màu này thường xuất hiện ở các ao nuôi mới đào trên vùng đất phèn. Màu cam là do đất phèn tiềm tàng (FeS2) bị ôxy hóa tạo thành các váng sắt. Đối với ao có màu nước vàng cam cần có biện pháp khử phèn trước khi thả nuôi, có thể sử dụng vôi nông nghiệp hay bơm, xả nước nhiều lần để rửa trôi lượng phèn trong ao; đối với các ao đang nuôi thì cần rải thêm vôi trên bờ ao để tránh hiện tượng pH giảm đột ngột khi trời mưa.

Màu nâu đen: Nước có màu nâu đen do trong nước có chứa nhiều vật chất hữu cơ. Màu nước này thường thấy ở các ao nuôi có hệ thống cấp, thoát nước không tốt, trong quá trình nuôi không quản lý tốt môi trường, cho ăn dư thừa nhiều, ao nuôi có hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp. Xử lý bằng cách thay nước nhiều lần đến khi hết màu nâu đen, hoặc kết hợp sử dụng thêm các loại chế phẩm sinh học, hóa chất có thể hấp thu khí độc. Bên cạnh đó, nếu thấy tôm, cá có hiện tượng thiếu ôxy cần sử dụng quạt đảo nước hoặc các loại hóa chất cung cấp ôxy tức thời, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Một số giải pháp

Màu nước là màu của tảo và vi khuẩn. Màu xanh đặc trưng cho tảo, màu nâu đặc trưng cho vi khuẩn. Màu bã trà là màu của hỗn hợp tảo và vi khuẩn. Quan sát màu nước trong ao nuôi giúp đánh giá chính xác được hiện trạng chất lượng nước; từ đó, có những biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tôm, cá sinh trưởng và phát triển. Tạo màu nước chính là gây dựng hệ vi sinh có ích. Tảo không được quá dày, không được quá thưa; nếu tảo thừa nước trong, tảo hại ở tầng đáy sẽ dễ phát triển; ngược lại, nếu tảo dày thì gây ra tình trạng thiếu ôxy về đêm. Mật độ tảo liên quan trực tiếp với độ trong, mật độ tảo tối ưu cho nước nuôi thủy sản tương ứng với độ trong 30 - 35 cm. Tag: thiết bị sục khí

Gây màu nước được thực hiện ở đầu vụ nuôi, trước khi thả tôm, khi nước bị mất màu và chủ động gây màu trong ao chứa trước để cấp cho ao nuôi khi cần thiết. Muốn duy trì màu nước thì phải duy trì được các yếu tố môi trường nước ổn định. Để làm được điều này trong trại nuôi cần có hệ thống ao chứa, độ sâu > 1 m.

- Sau khi lấy nước vào ao cần phải sát trùng nguồn nước bằng Chlorine để tiêu diệt mầm bệnh cho tôm rồi mới gây màu bằng cách bón phân, cám gạo, bột đậu nành, mật đường, sử dụng khoáng hỗn hợp, hoặc tốt nhất là nên sử dụng men vi sinh chuyên dùng cho gây màu nước trong ao tôm cá.

- Trước khi gây màu nước cần kiểm tra và điều chỉnh các thông số như pH (7,5 - 8,5), độ kiềm (80 - 150 ppm), NH3 (< 0,1 mg/l), H2S (< 0,03 mg/l).

- Định kỳ 5 - 7 ngày, bổ sung men vi sinh vào ao nuôi để thúc đẩy vi khuẩn có lợi phát triển, phân hủy chất hữu cơ dư thừa trong ao, hấp thụ và ngăn chặn sự hình thành khí độc trong ao nuôi.

- Định kỳ 10 ngày bón vôi CaCO3 hoặc Dolomite, mỗi lần 10 - 20 kg/ha kết hợp sử dụng các chất nâng kiềm để tăng độ kiềm và pH nước.

- Khi mật độ tảo trong ao dày có thể dùng hợp chất giảm phospho, men vi sinh để cắt tảo dần dần hoặc dùng BKC với liều lượng thích hợp để cắt tảo, chú ý cấy lại men sinh sau 48 giờ.

- Đối với các ao TTCT nuôi dạng biofloc kết hợp nuôi tỉa mật độ tôm dày trên 350 con/m2, nên có máy thổi khí để đảm bảo ôxy hòa tan trong nước đủ và đánh men vi sinh thường xuyên để tạo môi trường sống tốt cho tôm. Trong trường hợp ao khó gây màu do sử dụng hóa chất nhiều, đáy ao có nhiều cát, độ mặn cao nên sử dụng các sản phẩm gây màu và khoáng để gây màu nước cho ao. Sử dụng một số chế phẩm sinh học trong suốt chu kỳ nuôi sẽ giúp quản lý chất lượng nước cũng như màu nước tốt hơn. Tag: thiết bị nuôi tôm

- Quản lý cho ăn chặt chẽ tránh cho ăn thừa để hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Nguồn: 2lua.vn/article/mau-nuoc-ao-nuoi-nhan-to-tac-dong-va-giai-phap-5e0d63c9425cc5a64f3f6947.html