Sony VN ngừng sản xuất và cảnh báo về điểm đáy của parabol .
Sony quyết định đóng cửa nhà máy ở VN đặt ra dấu hỏi về làn sóng rút lui sản xuất.
Nếu VN không vượt khỏi vị trí gia công giá rẻ - điểm đáy của parabol - chuỗi mắt xích kinh tế toàn cầu như hiện nay, VN sẽ chỉ thêm thua thiệt.
Soi lại chính mình
Trước hết, việc đóng cửa nhà máy sản xuất tại một quốc gia với những tập đoàn như Sony không phải là điều mới, lạ mà đó là việc từng xảy ra ở nhiều nước. Bản thân Sony đã từng đóng cửa nhà máy sản xuất bóng đèn tivi tại Indonesia vào năm 2002, khi họ thấy điều kiện đã thay đổi khác trước. Quan trọng là Việt Nam rút ra được gì từ vụ việc này.
Việc Sony Việt Nam đóng cửa sản xuất cần được xem như hồi chuông nhắc nhở soi lại chính mình và nhận diện chính mình tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhìn từ vụ việc Sony ngừng sản xuất, Việt Nam cần xem lại chính sách bảo hộ của mình.
"Ưu đãi thuế quan là cách thức bảo hộ quá lạc hậu trong bối cảnh hội nhập. Tại sao chúng ta không học xem Mỹ bảo hộ thế nào, châu Âu bảo hộ sản xuất trong nước như thế nào để áp dụng? Chúng ta cứ loay hoay áp các loại thuế để bảo vệ nền sản xuất nội địa mà thực chất chưa có gì nhiều", ông Nguyễn Đình Lương, trưởng đoàn đàm phán BTA trăn trở.
"Cách bảo hộ hiện nay đang làm di hại cho cả nền kinh tế, để rồi khi DN nước ngoài bắt đầu thấy bất lợi, họ liền lập tức rút ra", bà Chi Lan nhấn mạnh.
Việt Nam cũng cần xem lại chính sách ưu đãi của mình, với DN trong nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ưu đãi ngành gì, ưu đãi như thế nào cho đúng?
Với các DN, thay vì thực hiện chính sách tiền ưu đãi như hiện nay, tại sao chúng ta không áp dụng bài học của nhiều nước, thực hiện hậu ưu đãi cho các DN vào đầu tư tại Việt Nam. Khi có đóng góp nhất định cho nền kinh tế, cho ngành sản xuất, DN ấy mới được hưởng chính sách ưu đãi, bà Chi Lan gợi ý.
"Cách trao ưu đãi hiện nay khiến các DN cam kết nhiều nhưng làm không bao nhiêu, hầu như không ai tự nguyện thực hiện đúng, trừ khi dưới sức ép của đòi hỏi thị trường".
Trong ưu đãi ngành, ông Lương cho rằng, trước hết, cần làm rõ, cần cụ thể hoá những chủ trương, đường lối mà Đảng ta đã đề ra như: Đi tắt đón đầu là đón cái gì, đón ở đâu? Chuyển dịch kinh tế là chuyển cái gì và chuyển đi đâu? Không thể cứ để dân gặp cái gì chuyển cái đó, chuyển vào không trúng rồi lại chuyển ra.
Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, ngành công nghiệp nào được ưu tiên là nhân tố khả biến, tùy thuộc vào xu hướng toàn cầu. Điều Việt Nam cần làm là chuẩn bị cái bất biến: nguồn nhân lực chất lượng cao, đối phó với cái khả biến là các ngành công nghệ cần được ưu tiên.
"Việt Nam cần soi lại mình, nhìn nhận năng lực hội nhập, năng lực cạnh tranh thực của nền kinh tế trong hội nhập, đâu là lợi thế cạnh tranh và lợi thế ấy còn kéo dài trong bao lâu", Ts. Võ Trí Thành, trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương đặt vấn đề.
Điều đáng tiếc, như Tổng thư kí Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, ông Trần Quang Hùng nhận định trên Tuổi trẻ, ở đây, Sony đã tính toán hay hơn Việt Nam trong bài toán "liên doanh lắp ráp": sử dụng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của đối tác VN, lao động rẻ và tận dụng tối đa chính sách bảo hộ về thuế suất nhập khẩu linh kiện của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải xác định rằng, như mọi nhà đầu tư khác, Sony vào Việt Nam không phải nhằm giúp Việt Nam xây dựng đất nước mà chỉ chạy theo lợi nhuận. Vấn đề là Việt Nam tận dụng như thế nào trong sự liên kết, hội nhập ấy. Câu chuyện Sony ngừng sản xuất chính là biểu hiện cụ thể và rõ nét năng lực hội nhập của chính Việt Nam.
"Gặp nhiều cán bộ lãnh đạo, tôi hỏi, các Bộ đã chuẩn bị gì cho hội nhập? Câu trả lời nhận được là: chúng tôi họp rất nhiều. Thế nhưng, họp nhiều không phải là giải pháp, mà vấn đề là chuẩn bị năng lực cho hội nhập", bà Chi Lan trăn trở.
Không thể xây dựng kinh tế độc lập tự chủ trong thế giới toàn cầu hóa
Thế nhưng, như ông Nguyễn Đình Lương nhận định, cái cần nhất là sự thay đổi nhận thức, tư duy và cách nhìn nhận thời đại, nhìn nhận thế giới thì dường như chúng ta lại chưa làm được.
Ông Lương phân tích, ngày nay, thế giới đang gắn kết và trở nên tùy thuộc lẫn nhau dựa trên những tập đoàn như Nike, Intel, Sony. Các tập đoàn đa quốc gia đã đủ sức mạnh để khai thác lợi thế so sánh của cả thế giới, quyết định cái gì sản xuất ở đâu thì có lợi. Lợi thế so sánh của từng nước đã định hình rồi, phải khai thác theo lợi thế ấy.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn muốn tự mình có ngành sản xuất ô tô cho riêng mình, ngành đóng tàu cho riêng mình... Nhiều người vẫn thích say sưa bàn chuyện “xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ” theo quan niệm truyền thống trước đây, xây dựng chiến lược, kế hoạch như thời còn bao cấp.
"Trong khi các nước cố chen chân vào cả một quy trình toàn cầu, Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách nội địa hóa ngành sản xuất, xây dựng kinh tế độc lập tự chủ, một khái niệm hoàn toàn xa lạ với toàn cầu hóa".
Thế giới đã khác hẳn nhưng Việt Nam vẫn nhìn chăm chăm tìm chìa khóa cho sự phát triển theo cách cũ... Chúng ta vẫn còn loay hoay với những kiểu tư duy cũ kỹ.
Đơn cử, Việt Nam không thể so sánh mình với Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... để phấn đấu cho một ngành sản xuất ô tô. Ngành sản xuất ô tô của các nước này đã hình thành từ những năm 1970, khi thế giới còn đang bị bao vây bởi các hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế. Thời thế cho phép họ thực hiện điều đó. Bây giờ, thời thế thay đổi, hàng rào thuế và phi thuế đã dỡ bỏ, quyền kinh doanh cũng rộng mở khắp thế giới, cùng với WTO, Việt Nam không thể bê nguyên cách làm cũ.
Ông Nguyễn Đình Lương gợi ý, thay vì phấn đấu có cả một ngành sản xuất ô tô mà chắc chắn không thể so sánh với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, tại sao Việt Nam không tập trung làm cho tốt một khâu trong quy trình sản xuất ô tô, như sản xuất xăm lốp, sản xuất pít tông cho các tập đoàn hàng đầu thế giới của các nước này? Làm được như vậy đã là một thành công.
Cũng như vây, thay vì nhìn việc sản xuất con chip như Intel mong muốn làm ở Việt Nam là một ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất máy tính, chúng ta cần nó như một ngành sản xuất độc lập, và phải cố chen cho được một chân trong số những vệ tinh của Intel, ông Lương nhấn mạnh.
"Với trình độ cầm mỏ hàn, đã có DN nào của Việt Nam chen chân được vào việc tổ chức phân xưởng, tham gia công đoạn sản xuất của Intel tại Việt Nam, hay chỉ có Foxconn của Đài Loan, và Sony của Nhật Bản đang phấn đấu trở thành vệ tinh cho Intel ngay trên đất Việt Nam?", ông Lương trăn trở.
Xác định chỗ đứng và tìm cách chen chân
Nếu không sớm thay đổi thích ứng, câu chuyện Intel cũng sẽ giống như Nike tại Việt Nam hiện nay.
Là một tập đoàn ở Mỹ, nhưng Nike có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nike chủ yếu sản xuất các sản phẩm ở Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam trong khi bán hàng chủ yếu ở châu Âu và Mỹ, và điều hành, thiết kế mẫu mã... tại Mỹ.
Đến Việt Nam, họ có tới 9 nhà máy sản xuất giày thể thao và 30 nhà máy sản xuất trang phục thể thao, mà cả 39 nhà máy đó đều không thuộc sở hữu của Nike. Chúng thuộc sở hữu của các ông chủ Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, gắn kết với Nike bằng quan hệ đối tác trong đó Nike chỉ giữ thương hiệu. Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đến Việt Nam để tổ chức sản xuất giày cho Nike với những doanh nghiệp 100% vốn. Đó là các nền kinh tế đi trước Việt Nam, từng làm thuê như Việt Nam hiện nay và bây giờ, đã tiến xa hơn, đứng ra làm.
"Những mắt xích liên kết đó tạo nên chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó mỗi nước, mỗi nền kinh tế nắm một đoạn trong chuỗi giá trị. Vậy Việt Nam đang nằm ở đâu? Thực chất, chúng ta đang nằm ở đáy của đường cong parabol, chỉ cung cấp nhân công giá rẻ, nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ gác cổng, người dọn vệ sinh và người phục vụ cơm trưa cho lực lượng nhân công giá rẻ ấy", ông Lương chua chát.
"Chưa một DN nào của Việt Nam đủ sức, cả kiến thức quản lý, công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất để Nike tin tưởng giao cho nắm quyền sản xuất".
Nghĩa là, từ việc sản xuất hàng gì, mẫu mã ra sao, số lượng như thế nào, vật liệu là gì, bán ra cho ai... Nike đã quyết đinh, chỉ cần anh là người thực hiện nhưng ngay cả việc làm theo yêu cầu đó, Việt Nam cũng chưa đáp ứng được.
"Chúng ta đã thua ngay trên sân nhà khi chỉ phát triển ngành đào tạo lực lượng bảo vệ, ngành cung cấp và chế biến cơm hộp..." Mỗi năm, Nike xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tính vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng giá trị tăng thêm thực nhận của Việt Nam chỉ được 1% con số đó.
"Chúng ta không thể đòi hỏi miếng bánh lợi ích từ hội nhập sẽ được chia đều. Các nước đưa vốn công nghệ vào Việt Nam đầu tư, khai thác tài nguyên, sức lao động sẽ nhận phần to hơn. Những nước đi sau như Việt Nam sẽ được phần bé hơn trong cuộc chia đó, nhưng ít còn hơn không có gì".
Vấn đề nằm ở chỗ, "từ miếng bánh bé đó, Việt Nam thoát khỏi cơn đói rồi sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành và miếng bánh Việt Nam được chia sẽ lớn dần lên. Việt Nam sẽ có miếng bánh to trong tương lai khi Việt Nam khôn lớn bằng người", nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương nói.
"Việt Nam phải tìm cho bằng được chỗ đứng của mình ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu". Hiện nay, Việt Nam vẫn ở dưới đáy của chuỗi giá trị đó.
Sony đã quyết định dừng sản xuất. Lắp ráp ô tô được Tuổi trẻ dự đoán là ngành nối gót, trong một dây chuyền của hiệu ứng rút lui sản xuất.
Còn ông Nguyễn Đình Lương lại quan ngại, với Intel, 10 năm nữa, nếu Việt Nam không tiến được một bước, có được một phân xưởng, Việt Nam cũng sẽ thua và có thể, Intel sẽ rút như Sony đang làm hiện nay.
Dũng cảm thay đổi để thích ứng, bắt đầu bằng thay đổi nhận thức về thế giới là thông điệp được ông Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.
Theo Phương Loan