Có lẽ chỉ hai câu thơ trên, Tố Hữu đã “vẽ” lên món ăn đặc sản của xứ Huế, là hến. Từ hến, người Huế làm ra món cơm hến nổi tiếng, một món ăn dân dã, bình dị nhưng thấm đẫm nét văn hóa của đất và người xứ Huế.
Hến được xúc dưới sông lên, ngâm nước gạo, rửa sạch, đem luộc đến lúc vỏ rã, vớt ra, để nước lắng đọng, dùng rổ sàng lọc kỹ lấy thịt hến. Cơm hến không cầu kỳ câu nệ, đơn giản chỉ là thịt và nước chấm ăn với cơm để nguội nên chân phương chất phác nhưng lại đằm thắm như con người Huế.
Tô cơm hến đơn giản mà đằm vị, cuốn hút như bản tính con người xứ Huế
Tiếng là đặc sản, nhưng cơm hến rất rẻ và bình dân. Vì đây vốn là một món ăn của người nghèo những năm xưa cũ.
Mắm ruốc dùng ở cơm hến phải hơi đặc, hòa lẫn với nước luộc hến, như thế mới ngon. Còn tóp mỡ da heo, thì phải lấy da heo phơi nắng rồi chiên lên cho giòn. Cơm hến rất đặc biệt, cơm và gia vị đều nguội, duy chỉ có nước chấm luôn nóng sốt giữ cho bát cơm hến thơm ngon mà nồng ấm.
Vị cay của ớt xua tan cái lạnh sớm mai, hòa quyện với vị thơm của ruốc, cái béo của đậu phộng, cái dòn của tóp mỡ da heo. Tất cả phối hợp với nhau tạo thành một hương vị rất bắt thèm, nhắc thôi đã khiến miệng muốn nhóp nhép. Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi, kêu cái "bụp!" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon cơm hến. Thế nên, có người còn gọi là "món ngon trời hành".
Ăn xong tô cơm, khách nhớ uống thêm một ngụm nước luộc hến, cho vị hến ngọt thanh đọng lại nơi đầu lưỡi.
Cơm hến thời hiện đại đã được bày hàng bày quán, có ghế có bàn hẳn hòi. Lại còn được cách điệu thêm mấy món bún hến, mì tôm hến, cháo hến. Nhưng cho dù có cách điệu thế nào, cơm hến vẫn là món chủ đạo.
Ngoài vùng cồn Hến đã có tiếng xưa nay, bây giờ thêm đường Trương Định, đường Phạm Hồng Thái được xem là “trung tâm cơm hến” của Huế. Sáng sáng, đặc biệt là thứ bảy, chủ nhật, người đi ăn cơm hến chen chân như hội. Ngồi chờ ăn cho đựơc tô cơm hến phải nói là... toát mồ hôi./.
Phi Hùng