Theo trào lưu, các cặp đôi kể cả vừa yêu nhau được hai ngày cũng xưng hô là chồng vợ rất ngọt nhưng các cô vợ tự xưng phải mong đỏ mắt may ra mới tới ngày được chồng hỏi cưới.
Chậm cầu hôn - lỗi hệ thống
Đàn ông không chỉ gặp khó khăn trong việc biểu lộ tình cảm, nói lời yêu mà còn hạn chế cả năng khiếu cầu hôn. Cái sự lần chần, loanh quanh, ậm ừ, lảng tránh hỏi cưới của họ khiến phụ nữ nghĩ rằng họ vô trách nhiệm, bạc bẽo thậm chí hèn nhát.
Giai đoạn yêu đương càng kéo dài, đàn ông càng lười cầu hôn. Với họ, hào hứng nhất là giai đoạn cưa cẩm. Phải bằng mọi cách để chinh phục nàng. Khi đó cả hai đều sung sức thể hiện ưu điểm tối đa, tới lúc thông hiểu nhau thì mọi cố gắng tạm thời chững lại.
Thời điểm này gái lớn muốn xây dựng gia đình để ổn định, trai lớn lại có tâm lý nghỉ xả hơi sau cột mốc thành tựu (đã cưa đổ nàng).
Chàng nói mình chưa sẵn sàng, chưa đủ điều kiện, muốn gỡ gạc thêm đời tự do… Đều là lý do chính đáng nhưng đa số chị em không tin. Nàng nghi ngờ chàng không muốn cưới, lợi dụng. Các quân sư tình yêu được thể phán “Giải tán luôn cho lành!”, “Đời còn dài, giai còn nhiều”, “Tận hưởng bản thân đi!”. Sau một vài lần lụy tình, làm lành với trai xù cầu hôn, rất nhiều gái lớn tung hê mối tình dai dẳng. Đang là thời của phụ nữ độc lập và cá tính mà!
Giai đoạn yêu đương càng kéo dài, đàn ông càng lười cầu hôn (Ảnh minh họa).
Giai đoạn yêu đương càng kéo dài, đàn ông càng lười cầu hôn (Ảnh minh họa).
Ngay cả ở phương Tây, phụ nữ và các chuyên gia tư vấn của họ cũng khá lúng túng trước những chàng lẩn tránh đám cưới.
Không ít gái lớn dùng chiêu tạm chia tay để khám phá thân xem mình thực sự muốn gì. Mặt khác để chàng ngấm tháng ngày thiếu người yêu thương chăm sóc. Kết quả là chàng gặp được người mới còn nàng chật vật để quên tình cũ. Mọi thứ bắt đầu từ số 0.
Vậy là biện pháp cực đoan không làm cho đàn ông tỉnh ngộ hoặc nhanh nhẹn cầu hôn hơn.
Tối hậu thư - gậy ông đập lưng ông
“Hoặc là mình cưới nhau trong năm nay hoặc là chia tay”, đàn ông có phản ứng tiêu cực với tuyên bố sấm sét. Thông điệp này cũng thô bạo chẳng khác với “Nếu em không đồng ý quan hệ tình dục, anh sẽ đi yêu người khác”. Trường hợp gái lớn khóc lóc vì không được hỏi cưới sẽ hài hước như việc anh ta mít ướt nỉ non vì không được lên giường với nàng.
Các chuyên gia hôn nhân từng tranh luận nảy lửa về cách tỏ thái độ với người tình không chịu làm chú rể. Hóa ra biện pháp cực đoan như cảnh báo chia tay, dứt khoát bỏ đi, cắt liên lạc… đều không thay đổi tình hình. Trước và sau khi cưới phái mày râu không thích hai từ “cam kết”. “Anh phải cưới em” rất khác với "Anh muốn cưới em". Họ không muốn rơi vào thế bị động. Chỉ là sự lên tiếng của hormone nam nhưng lại bị chị em chụp mũ thành bản chất bội bạc, vô tâm.
Ẩn dụ xa gần
Có nàng dùng lời nhắn kiểu tâm thư hy vọng hiệu nghiệm hơn thế nhưng đối tượng lại né theo cách khác. Trong thư nàng nói về ước mơ “ngôi nhà và những đứa trẻ” với hy vọng đánh động chàng lêu lổng nhưng anh ta sợ bị phân vai bố đảm. Tới lúc có con, cảm nhận của người đàn ông có thể thay đổi nhưng lúc này họ không muốn tưởng tượng về chủ đề đó.
Lên tường facebook hoặc gặp người thân của chàng để nói xa gần về đám cưới là điều tối kỵ. Chẳng có gì làm mày râu mất mặt bằng khi họ bị người trung gian vừa vun vén vừa dồn ép cầu hôn.
Chàng thấy kém thoải mái mỗi lần nàng kể chuyện về đám cưới của người khác một cách không vô tư. Thà rằng nàng cứ chân thật hỏi “Anh có định cưới em không?” hoặc “Anh có định biến em thành cô dâu loãng xương không?”.
Tam sao thất bản
Cách biểu hiện và định lượng tình cảm của phái mạnh rất khác phụ nữ. Đàn ông làm mọi điều là cho bản thân còn phụ nữ thường xuyên làm mọi việc chỉ vì người khác. Anh ta chưa cầu hôn chỉ vì thấy mình chưa sẵn sàng còn cô ấy muốn cưới vì người thân muốn thế.
Nàng nghĩ kết hôn là kết thúc có hậu cho một chuỗi những nỗ lực. Nàng cố gắng học hỏi, giành chỗ đứng công việc, xinh đẹp, tỏa sáng để lấy được người chồng như ý muốn. Còn chàng coi đám cưới là một mở đầu khó khăn cho một chuỗi những thử thách và thiếu tự do.
Nếu lời cầu hôn giống như trái chín ép thì cho dù có đám cưới bạn vẫn tiếp tục là gái ế (Ảnh minh họa).
Logic của đàn ông không dễ lý giải. Lẽ ra họ định nói “Anh yêu em” thì lại thì thầm “Em có yêu anh không?”. Vào ngày mùa đông giá buốt chàng nhắn tin “Ước có người đắp chung chăn cho ấm” khiến nàng hiểu thành ẩn ý “Mong cưới vợ”. Một lần chàng bỗng dưng đặt nhạc chuông bài “Bà xã anh number one” làm nàng chan chứa hy vọng thì hóa ra đứa cháu 2 tuổi thích nghe bài này mỗi khi gọi điện cho cậu.
Trong khi gái ế trông chờ vào những tín hiệu thông điệp thì đối tượng không hề gửi gắm một ẩn dụ nào. Phụ nữ chúng ta hay tô hồng, gắn đôi cánh cho mọi lời nói cử chỉ vô tư của đàn ông, còn họ chỉ chăm chú tận hưởng hiện thực ngay trước mắt. Phụ nữ có thể vừa đầu gối tay ấp vừa suy nghĩ về tương lai. Bạn tình của họ không thể làm hai việc này cùng một lúc.
Bí quyết để một anh chàng nói lời cầu hôn là không nên tác động rực lửa. Nếu tiến độ thức tỉnh chậm, hãy nói về chủ đề một cách bình thường. Đừng tâm thư, tối hậu thư hoặc xa gần ẩn ý! Nếu lời cầu hôn giống như trái chín ép thì cho dù có đám cưới bạn vẫn tiếp tục là gái ế. Ế khi có chồng tệ hơn nhiều so với ế độc thân. Đương nhiên bí mật này chỉ mình bạn biết thôi.
Theo Hát Hát / Trí Thức Trẻ