Long và Hạnh là bạn cùng lớp Đại học, từ đầu hai người đã không quan tâm đến nhau. Nhưng sau nhiều lần đi thực tế rồi tình nguyện, hai người trở nên thân thiết. Đến năm thứ tư đại học thì hai người chính thức yêu nhau. Học ngành “hot” của một trường đại học danh tiếng, ra trường, cả hai đều tìm được công việc với thu nhập cao. Sau 4 năm ra trường, cả hai tích cóp được tiền và mua một chung cư giá rẻ tại Hà Đông, cuối năm cũng là lúc đám cưới được tổ chức.
Quê anh ở Hải Dương còn chị ở Lai Châu, trước khi cưới, hai người đã có giao hẹn, những ngày lễ trong năm được nghỉ ít, hai vợ chồng sẽ tranh thủ về quê nội. Còn mỗi năm sẽ ăn tết một quê, ra tết cũng vẫn về thăm quê còn lại và trở về Hà Nội làm việc. Năm đầu tiên mới cưới của hai vợ chồng Long và Hạnh diễn ra yên ổn, anh chị về quê nội ăn tết, đến mùng 3 trở về Lai Châu thăm ông bà ngoại rồi trở về Hà Nội làm việc. Chị Hạnh nghĩ, “thôi thì năm đầu, gái theo chồng nên về quê nội trước rồi về thăm bố mẹ đẻ sau, năm sau sinh con rồi sẽ quyết tâm về ăn tết với ông bà”. Đầu năm chị sinh bé Tũn xinh xắn, mẹ đẻ chị cũng xuống chăm cháu cả 3 tháng trời để chị hồi phục sức khỏe. Đến nay bé cũng gần được 1 tuổi, cứng cáp hơn nên quyết định đưa con về ngoại ăn tết. Vậy mà sau cuộc điện thoại cho ông bà sẽ về ăn tết với ông bà ngoại, anh Long lại đùng đùng nổi giận, “năm nay phải về nội ăn tết, phải đưa cái Tũn đi chào các cô bác, ông, bà, họ hàng chứ. Ra tết thì về ngoại cũng thế, có mất gì đâu”. Chị nhắc lại lời giao hẹn khi còn yêu nhau, anh phản bác: “Lai Châu xa xôi, về Hải Dương tiện đường, đến khi ra tết thì về thăm ông bà ngoại, gái phải theo chồng”. Chị Hạnh ấm ức lắm, quê chị nông thôn, mùng 3 tết mọi người đã ra đồng làm việc, còn ai gọi là tết nữa. Vậy là chị “chiến tranh lạnh” cả tuần nay những anh vẫn nhất quyết không thay đổi ý định.
Cũng vì chuyện về quê ai đầu năm mà gia đình anh Minh (Đào Tấn, Hà Nội) lục đục cả tuần nay. Nhà vợ ở Bắc Ninh, chỉ cách Hà Nội tầm 50 km trong khi nhà chồng ở Nghệ An nên vào những ngày cuối tuần hay các ngày lễ ngắn, cả nhà anh vẫn về nhà ông bà ngoại. Chỉ vào những ngày nghỉ dài, có nhiều thời gian, anh Minh mới tranh thủ đưa các con về thăm ông bà nội. Đợt tết này nghỉ cả chục ngày, anh bàn với vợ, sau khi được nghỉ, hai vợ chồng sẽ đưa các con về ăn tết với ông bà nội, đến ngày mùng 3 sẽ trở ra Bắc Ninh thăm ông bà ngoại rồi về Hà Nội.
“Năm trước thương vợ mới sinh đứa thứ hai, con còn nhỏ nên tôi đã chiều vợ về nhà ngoại ăn tết. Năm nay bàn với vợ như thế nhưng cô ấy nhất quyết không nghe, lại lý luận cùn. Hai vợ chồng vẫn “mặt nặng mày nhẹ” với nhau cả tuần mà cô ấy vẫn nhất định không chịu nhường bước”, anh Minh kể.
Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, tâm lý con người bình thường không có áp lực nào thì suy nghĩ thấu đáo, ít cáu gắt hơn. Trước Tết, các cặp vợ chồng rất dễ cãi nhau vì phải chịu quá nhiều áp lực, lại mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần do có nhiều việc (dọn dẹp nhà cửa, công việc cơ quan, đối nội đối ngoại...), tâm lý dao động.
"Ngay từ những chuyện đơn giản như chọn sơn nhà màu gì, mua mứt nào, bàn ghế sắp ra sao... cũng khiến các cặp vợ chồng dễ gây gổ, chưa nói tới vấn đề rất nhạy cảm là ứng xử với hai bên, quyết định về ăn Tết bên nội hay ngoại", ông Sỹ chia sẻ.
Không những thế, theo nhà tâm lý, tranh cãi về ăn Tết bên nào thường rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, kết hôn dưới 10 năm. Tết nguyên đán được coi là dịp đoàn tụ, là Tết của tình thân, nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ đã vài chục năm. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng, vợ muốn về với bố mẹ đẻ, chồng cũng vậy.
Ngoài ra, lúc này cái tôi của mỗi người trỗi dậy. Suốt một năm, có thể mỗi người cố ém cái tôi lại, vợ cố gắng nhịn khi chồng nhậu nhẹt hay mua sắm đồ cho nhà nội, nhưng khi Tết về, cái tôi nổi lên, người phụ nữ có thể nghĩ, một năm qua mình đã cống hiến cho nhau rồi, giờ phải dành cho người thân, ruột thịt. Chị em muốn về nhà ngoại để bù đắp cho cha mẹ, anh em ruột. Người đàn ông thì đã lên sẵn kế hoạch về với cha mẹ mình. Mỗi người đưa ra một quyết định, bắt người kia theo mình.
"Mâu thuẫn, cãi cọ thì vợ chồng nào cũng gặp phải. Vấn đề là giải quyết khéo léo, đừng để những lý do trên chi phối, làm ngày Tết mất vui", nhà tâm lý nói. Theo ông, trước Tết, hai vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không luân phiên năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia.
Ngoài ra, để không quá mệt mỏi và chịu sức ép dịp gần Tết, mọi người không nên để mọi việc dồn hết vào cuối năm. Cần lên kế hoạch cho công việc, sắp xếp nhà cửa từ trước đó, để việc chuẩn bị đón năm mới không quá tất bật. "Hãy coi Tết là một trong những kỳ nghỉ của gia đình, làm sao để thời gian đó vợ chồng con cái thật vui vẻ, có những trải nghiệm ý nghĩa, gắn kết hơn, không quá quan trọng địa điểm ở đâu. Có khi, cả nhà không về bên nội hay ngoại mà tổ chức một chuyến du lịch cũng rất ý nghĩa", nhà tâm lý gợi ý.
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Hồng Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, khi mới kết hôn, vợ chồng cần có sự chia sẻ, trao đổi với nhau về cách ứng xử, đối đãi với hai bên nội, ngoại sao cho hợp lý. Hai người nên sắp xếp từ trước lịch của các ngày nghỉ dài trong năm như Tết dương lịch, 2/9... để có thời gian thư giãn và về thăm hai bên bố mẹ.
Theo bà Hà, trong tâm lý người Việt, nhất là ở các làng quê, Tết luôn có ý nghĩa rất thiêng liêng. Đó là dịp đoàn tụ, quây quần con cháu sau những tháng ngày xa cách, vất vả vì mưu sinh. Với người già, điều này càng quan trọng. Vì vậy, nếu không có lý do đặc biệt, gia đình bạn có thể sắp xếp để về ăn Tết với bên nội, bên ngoại hoặc nếu ở xa thì thay phiên nhau. Nếu điều kiện không về được, bạn nên mua sẵn quà biếu Tết cho gia đình chồng và nhớ gọi điện hỏi han, quan tâm, chúc Tết mọi người./.
Ngân Khánh (Tổng hợp)