Yêu một cô nhà báo là điều vượt ngoài trí tưởng tượng của tôi, một anh chàng vốn thích các cô liễu yếu, đào tơ, mong manh dễ vỡ. Nhưng đời chẳng như mơ, vớ vẩn thế nào tôi lại bị vợ "hạ gục" từ buổi gặp đầu tiên.

Vợ tôi, một cô nàng “cá tính của cá tính”, cô là phóng viên chuyên viết về tệ nạn mại dâm, ma tuý và các vấn đề xã hội. Lăn lóc trong môi trường “đáy của xã hội” nhiều mà “sang chảnh” ở những cuộc họp quan trọng trong nước, quốc tế cũng chẳng ít nên chả gì mà nàng không tường tận.

Tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác hốt hoảng khi trong buổi hẹn hò say đắm trước khi đưa nàng về ra mắt bố mẹ, dọc đường tôi có ý rẽ vào một nhà nghỉ khu X thì nàng ngăn và thản nhiên nói: không vào khu vực này, hay có “đội liên ngành” kiểm tra đột xuất.

Nàng có thể diễn giải một cách hấp dẫn về các thể loại bao cao su cũng như biết tuốt tuồn tuột, tất tần tật về “các dạng hành vi tính dục”, bao gồm cả nam và nữ.

Nhưng choáng hơn cả đó là tôi thường xuyên phải “chấp nhận” nàng xem web đen để…viết bài cho sinh động hoặc phải làm “xe ôm bất đắc dĩ” chở nàng đi rình rập mấy anh chàng đồng tính.

Khi lấy chồng, nàng tình nguyện chuyển “mảng”, sang làm y tế, xã hội. Nhưng đây mới là lúc tôi lo lắng bởi với công việc mới này, nàng thường xuyên tiếp xúc với những “anh chàng bác sĩ” đào hoa, hấp dẫn, chí ít cũng như hoặc gần như chồng nàng (tôi là một bác sĩ ngoại khoa).

Tỉ lệ thấy nàng đi ăn trưa với đồng nghiệp của tôi hoặc mấy anh trình dược viên hơi bị nhiều trong khi ca trực đêm của tôi ở bệnh viện cứ ngày một tăng. Có lúc tôi thậm chí dò hỏi: này, có phải em can thiệp lãnh đạo bệnh viện anh để anh đi trực đêm nhiều như thế không?


Thành thật mà nói, ở với một cô nhà báo kiến thức uyên thâm, thông minh, hài hước, luôn biết làm mới mình rất thú vị. Bạn bè có việc nọ việc kia nhờ vả cũng mát mặt bởi nàng luôn chu đáo, tận tình, hiệu quả.

Công việc gia đình, đối xử hai bên nàng cũng “trên kín dưới bền”, đến cô em chồng còn phải khen “đúng là chị ấy ra xã hội nhiều nên biết điều và rất biết sống”.

Công việc của tôi nhiều áp lực, nàng cũng chia sẻ ra trò, nhờ nàng, tôi ngày càng chú tâm được cho chuyên môn, tuy không thăng tiến nhưng thực sự thấy nàng như cộng sự, chia sẻ được mọi điều.

Nhưng tôi vẫn có một nỗi lo sợ mơ hồ, ấy là khả năng bay bổng của nàng, dân chuyên văn mà. Cái mộng mơ của người đàn bà đã có gia đình trước màu tím hoa bằng lăng, màu đỏ hoa phượng vĩ hay những con sóng biển xanh đâu đó tận chân trời làm tôi lo mình sẽ “lạc nhịp” trong cuộc đời của cô ấy. Bạn bè của nàng 7 cô thì 3 cô ly hôn, 2 cô ly thân và 1 cô chờ ly dị, cô còn lại cứ gặp là than chán chồng.

Đêm về, nàng gối đầu lên ngực chồng, mái tóc tém tinh nghịch cọ vào ngực tôi rồi thủ thỉ, nói chuyện người mà như chuyện mình, làm tôi cứ giật mình thon thót. Nàng bảo, phụ nữ làm báo khó hạnh phúc, bi kịch thường ở hai dạng: dạng thứ nhất là dễ chán chồng vì công việc hay tiếp xúc với những thành phần tiên tiến trong xã hội. Tiếp xúc với ông nọ, ông kia to quen rồi, về nhìn chồng dễ thấy chồng hèn kém, dễ so sánh với người nọ người kia.

“Lúc mới lấy nhau, chồng hơn vợ 1 cái đầu, một thời gian sau chồng vì công việc của mình nên không thay đổi gì nhiều còn vợ do phải up date thường xuyên nên có khi lại ở vai ngược lại “hơn chồng một cái đầu”. Rồi thấy không còn cùng “tầng bay”, không còn đồng cảm nữa, bi kịch của người phụ nữ làm báo thường nằm ở chỗ đó”, nàng tâm sự.

Còn dạng thứ hai đơn giản hơn: bị chồng bỏ. Do cường độ công việc cao, nhiều nữ nhà báo phải chấp nhận làm mẹ đơn thân, bị chồng bỏ, chồng chê vì không có thời gian chăm sóc gia đình.

Khi lấy vợ làm báo, tôi đã có sự cảm thông sâu sắc với nghề của vợ, cũng như nàng thừa biết tận chân tơ kẽ tóc công việc của tôi. Không phải tôi không bực mình hay chán vợ, nhất là những lúc hai bố con ngồi nhìn nhau cùng tô mì nguội lạnh vì vợ còn mải biên tập bài với dàn trang, thiết kế gì đó ở nhà in nhưng tình yêu với nàng lớn hơn. Tôi vẫn đùa nàng rằng tôi cố gắng phấn đấu để không bị nàng…bỏ vì cảm giác “thua vợ 1 cái đầu”.

Mà để “siêu” hơn nhà báo, không phải là chuyện dễ…



Theo Nguyên Khang / Pháp luật VN