Tự ý mua và sử dụng thiết bị y tế tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng. Ảnh minh họa.
Thượng vàng hạ cám
Nhắm vào thị hiếu người tiêu dùng, dịch vụ kinh doanh các thiết bị y tế gia đình nở rộ hơn bao giờ hết. Theo tìm hiểu, thị trường online được nhiều người nhắm đến như một tiềm năng để phổ biến rỗng rãi các sản phẩm thiết bị y tế gia đình.
Chỉ cần gõ cụm từ “thiết bị y tế gia đình” vào trang tìm kiếm “google”, ngay lập tức hàng triệu kết quả hiện ra với đủ chủng loại và mẫu mã sản phẩm. Khách hàng dẽ không khó khăn gì để lựa chọn các sản phẩm như ống nghe tim mạch, nhiệt kế, máy tạo oxy, máy đếm bước đạp thai nhi, máy truyền dịch, bút lấy máu, máy trợ thính, hay những chiếc vớ (tất) dành cho người bệnh tiểu đường….Thậm chí, người mua chỉ cần vài thao tác đặt hàng hoặc gọi điện đến số điện thoại trên trang trang website đó sẽ có người giao hàng tận nhà.
Trong đó, nhiều loại thiết bị y tế thông dụng được người tiêu dùng ưa chuộng phải kể đến như: máy đo huyết áp bắp tay tự động, máy đo đường huyết, máy xông mũi họng mini, máy xông khí dung, máy trị viêm mũi dị ứng, máy trị mụn, nám, vết thương ngoài da, máy trị viêm khớp… Mỗi một mặt hàng lại có nhiều chủng loại để khách hàng lựa chọn, tùy theo mẫu mã sản phẩm, những thiết bị này có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Tại một cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế ở phố Quán Sứ, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hạnh (55 tuổi) đang tìm mua máy đi huyết áp. Bà Hạnh chia sẻ, bà bị huyết áp cao đã nhiều năm nay, mỗi khi bệnh tái phát bị hoa mắt, chóng mặt, bà lại phải nhờ con cháu đưa đến cơ sở y tế kiểm tra nên rất bất tiện. Do đó, bà Hạnh quyết định mua thiết bị đo huyết áp bắp tay tự động để có thể tho dõi thường xuyên tại nhà, vừa tiện lại tiết kiệm được chi phí nhiều lần đến viện.
Loại máy này trên thị trường hiện nay được bán cho người tiêu dùng với nhiều xuất xứ và giá cả khác nhau. Máy của Nhật có giá 650.000 đồng, máy của Đức có giá 780.000 đồng, ngoài ra còn có hàng từ Trung Quốc có giá rất “mềm”.
Trên các tuyến phố gần bệnh viện lớn như: Phương Mai, Ngọc Khánh, Giải Phóng, Quán Sứ…có rất nhiều cơ sở bán các trang thiết bị y tế với đủ chủng loại và xuất xứ khác nhau. Ngoài ra, có những sản phẩm đa năng như máy kiểm tra đa năng BeneCheck 3 trong 1 (may đo lượng máu, lượng đường và lượng uric) được quảng cáo là sử dụng công nghệ cảm biến sinh học điện hóa tiên tiến trên thế giới.
Thậm chí, nhiều cửa hàng còn bày bán các loại sản phẩm được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh như: mũ, lót giầy, gối từ trường...Song hiệu quả thực tế của chúng đến đâu thì chỉ có… người bán hàng mới biết. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế thì có đến 54 chủng loại thiết bị y tế phải được cấp phép mới được nhập khẩu. Tuy nhiên, việc ký quyết định nhập khẩu lại chủ yếu qua giấy tờ mà việc giám sát lại thuộc một cơ quan khác. Chính vì lẽ đó, thị trường thiết bị y tế gia đình vẫn tron tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Mất tiền rước lo lắng vào người
Có thể thấy, hầu hết người tiêu dùng mua thiết bị y tế sử dụng tại nhà với đủ các lý do: tiện lợi, tiết kiệm,…hay đôi khi chỉ vì lời mời chào hấp dẫn của người bán hàng. Điều đáng nói, một số trường hợp tự mua các sản phẩm thiết bị y tế gia đình để tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Ông Trần Văn Dũng, 70 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi bị bệnh tiểu đường và thường xuyên phải đến thăm khám tại bệnh viện. Nhưng hàng ngày con cái đều phải đi làm hết nên rất phiền phức. Để tiện hơn tôi ra một tiệm thuốc lớn mua máy đo đường huyết tại nhà, nghe đâu người ta giới thiệu là hàng nhập ngoại nên chất lượng chuẩn lắm. Nhưng sau một thời gian sử dụng, máy không cho kết quả chuẩn xác khiến tôi không theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình.
Việc người dân tự ý mua và sử dụng thiết bị y tế tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi, đã có không ít trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí bị biến chứng do quá tin tưởng vào các thiết bị y tế.
Các thiết bị kém chất lượng này có thể cho kết quả không chính xác khiến bệnh nhân nhận định sai tình hình sức khoẻ của mình và tự mua thuốc về điều trị. Ví dụ, có bệnh nhân bị cao huyết áp, phải uống thuốc hạ huyết áp hàng ngày, song, máy đo huyết áp lại cho kết quả bình thường. Bệnh nhân tin vào kết quả đó nên tự ý ngừng sử dụng thuốc. Hậu quả là bệnh nhân này đã bị tai biến do huyết áp lên quá cao. Còn với máy đo đường huyết, nếu bệnh nhân bị đường huyết cao nhưng máy cho kết quả ngược lại có thể khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê.
Thực tế, không thể phủ nhận tác dụng của các thiết bị y tế dùng trong gia đình đối với các bệnh nhân mắc các bệnh cần theo dõi và kiểm tra thường xuyên. Song, chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc theo dõi điều trị bệnh. Bởi ngay cả những thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng vẫn có thể cho ra kết quả với sai số nhất định. Và nếu dùng phải thiết bị không chất lượng sẽ để lại hậu quả khôn lường. Hơn nữa, kết quả thông báo của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng máy, tình trạn pin, cách đo, thời điểm đo và bệnh lý của người bệnh… Do đó, bệnh nhân không nên phụ thuộc hoàn toàn vào máy kiểm tra sức khỏe tại nhà.
Hiện nay chỉ có một số đơn vị được cấp phép nhập khẩu các loại thiết bị y tế, trong đó có các thiết bị y tế gia đình. Thế nhưng vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã tìm đủ mọi cách để buôn gian bán lận. Có không ít sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan. Do đó, khách hàng cần cảnh giác với những mặt hàng được quảng cáo là “hàng xách tay”, bởi chất lượng của chúng rất khó xác định, thường không có hướng dẫn bằng tiếng Việt và không có chế độ bảo hành.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm như các loại cốc, mũ, thắt lưng, vòng đeo tay... được người bán quảng cáo là sản phẩm có thể chữa bệnh. Thế nhưng trên thực tế thì chưa có sản phẩm nào chứng minh được hiệu quả đó. Điều nguy hại nhất là người tiêu dùng ham sản phẩm giá rẻ nên mua các thiết bị y tế gia đình trên mạng hay ở các cơ sở bán lẻ không có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng nên có thể khiến cho bệnh tình nặng thêm, nếu không xử lý kịp thời sẽ để lại biến chứng khó lường, thậm chí dẫn đến tử vong.
Để đảm bảo sức khỏe của bản thân, mỗi cá nhân cần đến các cơ sở y tế kiểm tra, làm các xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, trước khi quyết định mua bất kỳ thiết bị y tế nào, người dân nên chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chế độ bảo hành chính hãng và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, nhất là đối với những thiết bị dùng cho trẻ em hoặc người già, kẻo vừa mất tiền vừa rước lo vào người./.
Hiền Anh/ Tổng hợp