Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự Phòng Hà Nội cho biết, trong 7 tháng đầu năm thành phố có gần 700 ca mắc sốt xuất huyết; rải rác tại 29 quận, huyện. Mùa dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Hiện thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho muỗi phát triển, vì vậy số ca bệnh có chiều hướng gia tăng. Tháng 6 có 168 ca thì tháng 7 tăng vọt lên 357 bệnh nhân; trong khi tháng 3, 4 chỉ có 15 trường hợp; tháng 2 chỉ có 1 ca. Bệnh chủ yếu ở người lớn, trẻ dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bắt đầu gia tăng từ tháng 6. Ảnh phun hóa chất diệt muỗi:N.P.
Theo tiến sĩ Cảm, so với cùng kỳ năm có dịch (năm 2009) ở Hà Nội thì số ca bệnh chỉ bằng 38% nhưng tăng so với năm ngoái nên đáng báo động. Bệnh tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện ven nội đang đô thị hóa nhanh như Thanh Trì.
Tại TP HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết trong tuần đầu tháng 8, toàn thành có 307 ca sốt xuất huyết nhập viện, cao hơn 34% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong tháng 7, số ca bệnh sốt xuất huyết ghi nhận tại thành phố lên đến 6.033 ca, tăng 47% so cùng kỳ năm 2014.“Bệnh dịch hiện tản phát, chưa xuất hiện ổ dịch tập trung. Tuy nhiên, dự báo năm nay có thể gia tăng số mắc sốt xuất huyết vì là chu kỳ dịch, tức sau 4-5 năm tính từ năm 2009”, tiến sĩ Cảm nói.
Theo ông Dũng, mùa dịch năm nay ở TP HCM đến sớm hơn 2 tháng so với thường lệ. Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trong 4 tuần qua có xu hướng tăng dần mỗi tuần và tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 32 phường xã có số ca bệnh liên tục một tháng qua và đã xuất hiện những ổ dịch khu trú tại nhiều địa phương.
Miền Bắc đang diễn biến thời tiết thất thường, nắng nóng mưa nhiều, di biến động dân cư lớn, nhiều công trường xây dựng, thiếu nước sạch tạo thói quen cho người dân tích trữ nước, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước... là những yếu tố thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại hộ gia đình; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành diện rộng.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế khuyến cáo các gia đình:
- Diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến, thả cá vào bể hở chứa nước ăn và sinh hoạt, thả hóa chất diệt bọ gậy do cán bộ y tế cung cấp hoặc thả cá vào bể cảnh, bể trồng cây cảnh có nước
- Ngủ màn.
- Hợp tác với cán bộ y tế khi có bệnh nhân hoặc ổ dịch.
- Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám điều trị kịp thời tránh tử vong.
Tiến sĩ Cảm cho rằng một số người dân không hợp tác trong công tác phòng chống dịch. Khi cán bộ y tế đến nhà kiểm tra vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hoặc phun hóa chất diệt muỗi thì không mở cửa. Nhiều người chưa có ý thức thường xuyên diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.
Ngoài ra, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế. Một số người vẫn nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi hay chỉ chú trọng phun hóa chất mà coi nhẹ việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình./.