Việc thông qua điều khoản này có ý nghĩa hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho người chuyển giới được “sống thật” với bản thân mình.





Sáng 24/11, với 90,28% các đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua các điều, khoản về việc chuyển đổi giới tính và bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2017.
Theo đó, Điều 37, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định rõ: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác.
Do đó, pháp luật Việt Nam cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Trước đó, có không ít ý kiến cho rằng, bản thân người chuyển giới đã chịu khó khăn trong đời sống, việc làm, y tế, an sinh xã hội; bị chính gia đình và xã hội kỳ thị, trong khi các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hợp lý. Do đó, việc thông qua điều khoản này có ý nghĩa hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho người chuyển giới được “sống thật” với bản thân mình.



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn