Ngày 27/12, đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh về việc cán bộ Trạm y tế xã Tương Giang tiêm nhầm vắcxin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) thay vì tiêm vắcxin uốn ván cho 31 phụ nữ mang thai. Mặc dù ngành y tế đã khẳng định việc tiêm nhầm này không ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi nhưng dư luận vẫn rất hoang mang về nguy cơ tái diễn những vụ việc nguy hại hơn trong tương lai.





Trước khi xảy ra vụ việc tại Bắc Ninh, ngành y tế đã phải giải quyết sự cố cán bộ tiêm chủng tiêm nhầm nước cất thay bằng vắcxin cho 60 trẻ mầm non tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (tháng 10/2004). Nguy hiểm hơn,vào tháng 7/2013, có 3 trẻ sơ sinh tại tỉnh Quảng Trị đã tử vong do cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tiêm nhầm thuốc gây mê có chất độc. Đó là những vụ việc nghiêm trọng có thể “điểm tên”, lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử tiêm chủng của ngành y tế Việt Nam.
Đâu chỉ “trông gà hóa cuốc”
Xâu chuỗi các vụ việc nêu trên cho thấy, điểm chung dẫn đến các hành vi sai sót nghiêm trọng trong tiêm chủng là các cán bộ, nhân viên y tế không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, “bỏ qua” nguyên tắc “3 tra 5 đối” gồm: Kiểm tra tên bệnh nhân, tên thuốc, liều lượng; đối chiếu số giường, buồng, nhãn thuốc, chất lượng thuốc hiện tại, đường dùng, thời gian dùng thuốc.


PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, phát biểu tại buổi làm việc tại Bắc Ninh, chiều 27/12.Ảnh: CTV

Như vụ việc tiêm nhầm vắcxin cho 31 thai phụ vừa xảy ra tại Bắc Ninh, y sỹ Nguyễn Quyết Thắng, Phó Trưởng trạm y tế xã Tương Giang, dù đã có thâm niên 7 năm là cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng... nhưng vì xem nhẹ quy trình chuyên môn nên khi lấy vắcxin, vị cán bộ này chỉ nhìn thấy chữ “uốn ván” là tiêm liền cho các thai phụ, không đối chiếu nên không phát hiện ra đó là vắcxin DPT - thường để dùng tiêm cho trẻ nhỏ. Sau đó, vị cán bộ này cũng không hề biết mình tiêm nhầm vắcxin; chỉ đến khi một nhân viên y tế khác dọn dẹp vỏ lọ vắcxin tại bàn tiêm chủng mới phát hiện ra sai sót như đã nêu.




Để xảy ra những sự cố đáng tiếc như vụ tiêm nhầm vắcxin cho thai phụ tại tỉnh Bắc Ninh không phải do quy trình chuyên môn có vấn đề. Đương nhiên, vấn đề giám sát việc thực hiện quy trình là vô cùng quan trọng, nhưng cần nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn rằng, khó có thể tổ chức giám sát 100% các buổi tiêm chủng. Công tác giám sát thực hiện quy trình chuyên môn cần được những người lãnh đạo các cơ sở y tế coi trọng và có biện pháp để đảm bảo cán bộ trong đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy trình chuyên môn. Bên cạnh đó, trách nhiệm hàng đầu vẫn thuộc về cán bộ y tế, phụ thuộc vào thái độ và sự tập trung của họ trong công việc.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương




Nguyên nhân sai sót ở sự cố tiêm nhầm nước cất thay bằng tiêm vắcxin cho 60 trẻ mầm non tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 14/10, cũng tương tự. Sự nhầm lẫn này được ngành y tế địa phương báo cáo là do “cán bộ tiêm chủng yếu tay nghề”. Khi lấy vắcxin để tiêm, thấy các ống dung dịch hồi chỉnh (nước cất, để tiêm cùng vắcxin sởi - rubella), cán bộ tiêm chủng lại “nghĩ nhầm” đó là vắcxin nên tiêm luôn cho trẻ, không để ý các lọ vắcxin đang nằm ở đáy phích. Cũng may, đây là hoạt động nằm trong chiến dịch tiêm chủng vắcxin sởi - rubella đang được triển khai rộng khắp, công tác giám sát đã được tăng cường nên sự nhầm lẫn đã được phát hiện sau khi cán bộ giám sát đi kiểm tra.
Tuy nhiên, vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả vẫn là việc tiêm nhầm thuốc gây mê chứa chất độc, dẫn đến tử vong của 3 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, vào ngày 20/7/2013. Theo kết luận của Công an tỉnh Quảng Trị (tháng 5/2014), nguyên nhân chính dẫn đến việc 3 trẻ tử vong là do y tá Nguyễn Thị Thuận tiêm nhầm thuốc Esmeron, loại thuốc dùng trong gây mê, để tiêm cho 3 bé nên dẫn đến tử vong. Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu thập đầy đủ chứng cứ và quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính". Trách nhiệm của những y, bác sỹ, cũng như các tập thể liên quan đến sai phạm trong quy trình tiêm chủng rồi sẽ được làm rõ sau khi kết thúc điều tra, song cái chết của 3 trẻ sơ sinh mãi mãi là nỗi đau khôn nguôi đối với các gia đình nạn nhân và là sự ám ảnh lâu dài đối với các bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng.
Vấn đề đáng nói là sau mỗi sự cố tiêm chủng, Bộ Y tế đều ban hành rất nhiều thông tư, công văn khẩn để chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng các địa phương tăng cường công tác an toàn tiêm chủng để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng. Đồng thời, ngành cũng tiến hành tập huấn lại cho tất cả đội ngũ tiêm chủng, cán bộ tham gia khám sàng lọc, sơ cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng... Vậy vì sao quy trình chuyên môn đã đầy đủ, ngành y tế cũng rất đau đầu và đau đáu mỗi khi xảy ra sự cố... nhưng rồi những vụ việc nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra trong 1 - 2 năm gần đây?
Thiếu giám sát chuyên nghiệp
“Đúng là ngành y tế đã ban hành đầy đủ mọi quy trình chuyên môn, giám sát nhưng theo thời gian, công tác giám sát cán bộ y tế thực hiện theo quy trình ngày càng trở nên lỏng lẻo”, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, khẳng định.
So sánh việc thực hiện quy trình chuyên môn hiện nay với giai đoạn những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, TS Tuấn cho biết: “Hồi đó, dù cơ sở vật chất kém xa hiện tại nhưng mọi quy tắc, quy trình chuyên môn đều được thực hiện rất nghiêm túc. Còn bây giờ, quy trình có nhiều nhưng việc áp dụng tại các cơ sở y tế như thế nào thì... chỉ có lãnh đạo và nhân viên các đơn vị đó mới biết rõ”.
Quá trình đào tạo thế hệ trẻ cũng buông lỏng hơn, thiếu sự rèn rũa các thao tác thực hành ngay từ thời sinh viên. Khi ra trường, các cán bộ trẻ dễ quen với cách làm việc lơ là, bỏ qua quy trình chuyên môn do hệ thống y tế chưa thực sự “để tâm” tới hoạt động giám sát (trừ một số bệnh viện có ban lãnh đạo ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này). Vậy nên, việc xảy ra sai sót trong y tế chỉ là vấn đề thời gian.
Tìm lời giải cho vấn đề, một số chuyên gia y tế độc lập đồng tình với quan điểm cho rằng: Để hạn chế những sai sót y tế nghiêm trọng tương tự, không có cách nào khác là ngành y cần phải củng cố lại hoạt động giám sát chất lượng trong toàn hệ thống, cả trong hệ thống y tế dự phòng lẫn hệ điều trị. Các cơ sở y tế cần xác định, việc thiết lập quy chuẩn chuyên môn và thực hiện giám sát, đánh giá theo các quy trình đó là vấn đề sống còn của đơn vị.
Mục tiêu của công tác giám sát là đảm bảo chất lượng đã đặt ra, ngăn ngừa các hành vi có thể xảy ra sai sót. Tuy nhiên, hoạt động này cần được nhìn dưới góc độ là công cụ giúp cho nhà quản lý vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng chứ không phải là tìm ra cái sai để phạt. Thực tế, công tác kiểm tra, giám sát đang gây ra tâm lý e sợ, dẫn đến “đẹp khoe, xấu che”, thậm chí còn xảy ra tình trạng làm vừa lòng người đi đánh giá, hoặc “thỏa hiệp” với gia đình bệnh nhân khi sai sót mười mươi thuộc về cán bộ y... Các sai sót vì vậy chưa thường xuyên được công bố, ít được rút kinh nghiệm một cách rộng rãi trong toàn bộ ngành y tế.
Theo baotintuc

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn