Trách nhiệm của Bộ Y tế không phải là nhanh chóng làm cho dư luận quên đi vụ Cát Tường mà phải cam kết không để những “Cát Tường” xảy ra trong tương lai.
Phiên toà xử bác sỹ Cát Tường đã kết thúc. Ngành Y tế có thể thở phào vì một vết nhơ có thể sẽ nhoè đi với thời gian. Như một bài báo trên Tuổi Trẻ đã viết đây là một sự việc mà không ai muốn nhớ vì nó quá đau xót với những người làm y tế.
Thế nhưng, ai dám chắc những sai lầm cố quên hôm nay không lặp lại ở phía tương lai? Ai dám khẳng định những “bác sỹ Cát Tường” làm hoen ố hình ảnh người thầy thuốc sẽ không còn xuất hiện?
Khi bài học chưa được khắc sâu, khi hành vi xấu xa chưa được chính ngành y mổ xẻ kĩ lưỡng để thành ý thức thường trực cảnh giác và tránh xa thì ám ảnh về sự vô đạo đức (tôi không dám nói đến y đức vì nó quá cao siêu) sẽ còn là nỗi lo lắng của bất kỳ bệnh nhân và người nhà nào khi có việc phải bước chân vào bệnh viện.
Xã hội chỉ có thể quên đi vụ Cát Tường nếu không có thêm những "Cát Tường" ám ảnh họ.
Nghề y là nghề của quyền lực. Giữa tiền bạc, chức vị và mạng sống, không ai dám vì ham hố tiền bạc, chức vị mà bỏ qua cái cuối cùng. Vì thế, quyền lực cao nhất là nắm sinh mạng người khác trong tay.
Dù là khám trong giờ hành chính hay ngoài giờ, dù khám trong bệnh viện hay phòng khám tư, thậm chí đến gõ cửa nhà bác sĩ lúc nửa đêm, người bệnh vẫn phải đặt trọn niềm hy vọng vào người cứu chữa cho mình. Chậm một phút, hay chỉ một thao tác sai, mọi chuyện có thể không bao giờ cứu vãn được.
Thế nên y đức luôn là bài học nằm lòng, là điều đầu tiên phải đặt ra với mỗi người thầy thuốc khi bước chân vào nghề. Y đức phải gắn với y đạo, lương y kiêm từ mẫu là vì thế. Người có y đức trước hết phải là người thành thạo chuyên môn.
Chuyên môn thì phải rèn luyện, kĩ lưỡng mỗi ngày. Nhiệt tình mà không có chuyên môn, không có ý thức rèn giũa chuyên môn thì cũng không dám gọi là y đức. Ngược lại, có tay nghề cao nhưng chỉ chăm chăm kiếm tiền, coi y tế là ngành kinh doanh, nghề làm giàu (và rất dễ làm giàu) thì xã hội khủng hoảng niềm tin vào nghề y, ngành y là điều dễ hiểu.
Trong rất nhiều sự kiện liên quan đến tai biến y khoa, nỗi bức xúc của người nhà bệnh nhân chính là họ đã không được giải thích thấu đáo, cặn kẽ về những gì đã xảy ra với người thân của mình. Có sai thì có sửa, có nhận ra khuyết điểm thì mới có cơ hội sửa chữa. Nhưng căn bệnh lớn ở nhiều nơi và không chỉ với ngành y là thói quen bao biện, bao che, sự lấp liếm, chối quanh, né tránh trách nhiệm đã trở thành cố hữu.
Với một ngành chuyên môn sâu như ngành y, nếu muốn che dấu sai sót thì “hàng rào kĩ thuật” dựng lên có thể khiến mọi mong muốn làm rõ sự thật của người bệnh trở nên khó khăn và bất lực. Thế nhưng, sinh mạng con người không phải chuyện đùa.
Nếu che dấu, không dám nhìn thẳng vào sự thật, thì từ sai sót nhỏ thành chuyện lớn tày đình không thể cứu chữa là điều dễ xảy ra mà hành vi “phi tang xác bệnh nhân” của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là bài học nhãn tiền.
Rõ ràng, trách nhiệm của Bộ Y tế không phải là nhanh chóng làm cho dư luận quên đi vụ Cát Tường mà phải cam kết không để những “Cát Tường” xảy ra trong tương lai.
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế đã rất chí lý khi khẳng định ngành y cần đưa vụ Nguyễn Mạnh Tường ra mổ xẻ thảo luận ở mọi cơ sở y tế để rút ra những bài học thấm thía cho tương lai. Xã hội chỉ có thể quên đi vụ Cát Tường nếu những Cát Tường mới không còn ám ảnh họ.
Cơ hội thay đổi đang nằm trong tay những người lãnh đạo ngành y tế. Nỗi “ô nhục của ngành y”, như lời một quan chức của Bộ, chỉ có thể được gột rửa khi mỗi nhân viên y tế, từ người chuyên môn cao nhất đến người phục vụ thấp nhất đều đã ý thức sâu sắc bài học đau xót và thấm thía sau khi đã mổ xẻ kĩ lưỡng các khía cạnh chuyên môn và y đức của những vụ việc kiểu như thẩm mỹ viện Cát Tường thay vì nhờ thời gian để nó trôi vào im lặng.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn