Từ việc có người giả làm thứ trưởng Bộ Y tế,giả con Bí thư Hà Nội có thể lừa được hàng tỷ đồng có thể nghĩ đến sự tham nhũng đã thành...quen!.





Bình luận và lý giải với Đất Việt về những hiện tượng, vụ việc đang diễn ra ngoài thực tế liên quan đến việc tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy dự án... đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng điều này là có và đã từng được chỉ ra nhiều. Từ thực tế có thật mới dẫn đến những người giả mạo người có chức, có quyền có thể lừa được tiền của dân.
Vào vai người chức quyền đi lừa - nhìn từ hai mặt
PV: - Gần đây xảy ra một số vụ việc giả mạo làm thứ trưởng Bộ Y tế, rồi con bí thư Hà Nội đi lừa mà có thể lừa hàng trăm triệu đến tiền tỉ theo ông sự việc này đang nói lên điều gì vậy?
ĐBQH Lê Như Tiến: - Sự việc ở đây nói lên hai việc,về phía người dân, tức là người bị hại là rất ngây thơ. Họ tin rằng ông này bà kia, con người này người kia có thể dễ dàng giúp đỡ tạo điều kiện lợi ích để họ có thể nhờ vả.
Nhưng ở góc độ khác thì rõ ràng trong xã hội đã có tâm lý có thể nhờ ông nọ bà kia, hay con cái của người có chức vụ cao thì chắc chắn có thể giúp được việc bổ nhiệm, đề bạt rồi đến thi tuyển, xin suất đầu tư…
Thực tế này cũng là tiếng chuông cảnh báo và bản thân các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng phải nghiêm khắc với con cái mình để tránh những trường hợp lợi dụng như thế này không thể xảy ra.
Đại biểu Lê Như Tiến trả lời báo chí tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13. ảnh Bích Ngọc
PV: - Sự dễ dàng như vậy phải chăng phần nào phản ánh hiện trạng tham nhũng trong các cơ quan công quyền? Ý kiến của ông như thế nào về nhận định nyy?
ĐBQH Lê Như Tiến: - Tôi nghĩ rằng ở đây cái chính vẫn là lợi dụng địa vị, chức quyền, vị trí trong cơ quan công quyền của một số vị lãnh đạo mà những người ta căn cứ vào đó lợi dụng.
Tuy nhiên phải thừa nhận trong thực tế cũng đã có chuyện nhờ vả quen biết để chạy việc, chạy đầu tư, nhờ việc này việc kia nên mới tạo trong dư luận suy nghĩ này và mới tin và làm theo như vậy.
Đặt vấn đề về sự "có đi, có lại"
PV: - Nói như vậy là sự tham nhũng trong một "bộ phận nhỏ" của bộ máy công quyền là có và cũng đúng như nhận định của Đảng, Chính phủ. Vụ việc gần đây nhất vừa được phanh phui đó là trường hợp của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền với nhiều căn nhà được "cấp" cho ông theo nhiều dạng mà kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đưa ra. Phía sau của sự 'hóa giá' nhiều căn nhà cho ông Truyền, rồi cả con của ông Truyền đang nói lên điều gì, thưa ông?
ĐBQH Lê Như Tiến: - Chắc chắn phía sau phải có vấn đề gì đó. Nếu là một người ở cơ quan bình thường mà xảy ra như vậy đã là vi phạm đằng này là cơ quan thanh tra, bảo vệ pháp luật và phòng chống tham nhũng … thì rất nguy hiểm. Cần phải lên án, nhất là với người đứng đầu như ông Truyền.
Kết luận của cơ quan trung ương về việc cấp nhà cho ông Truyền trong đó có những cán bộ của TP Hồ Chí Minh và Bến Tre do “nể nang” mà làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền là rất đáng xem xét.
Nếu như địa phương nào, cơ quan nào cũng 'nể nang' như vậy thì luật pháp có còn được thực thi hay không?. Như thế là xã hội bị rối loạn. Ai cũng nể nang thì pháp luật sẽ ra sao?
Việc nhà ở TPHCM cơ quan chức năng đã chỉ rõ là hóa giá cho con gái ông Truyền như vậy là hoàn toàn sai đối tượng của nhà nước. Như thế là sai, là vi phạm.
Tôi muốn đặt dấu hỏi là liệu có đi có lại hay không?. Tôi hóa giá cho anh một căn nhà thì anh tạo điều kiện cho tôi việc gì đó hay không. Hoặc là anh lờ đi vụ việc nào đó mà đáng lẽ ra phải thanh tra nghiêm chỉnh.
Đây là lỗi cả hai phía, cả cơ quan Nhà nước và bản thân ông Truyền là người hơn ai hết là phải hiểu pháp luật mà lại nói là nể nang hay khó khăn.
Ông Truyền cũng không thể nói là do khó khăn về nhà ở để xin thuê, mua nhà. Vì cán bộ chỉ cần có một ngôi nhà để ở, không thể nào cần tới 5 - 6 căn nhà như vậy, nhất là ông Truyền lại là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền thời gian tới chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng sẽ phải vào cuộc chứ không chỉ dừng lại ở kết luận của Ủy ban kiểm tra.
PV: - Thời gian qua cá nhân ông có nhiều phát biểu liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng. Theo ông kết quả đã được như mong muốn chưa và để có được sự rốt ráo kiên quyết và hiệu quả trong việc chống tham nhũng điều đầu tiên cần phải làm là gì?
ĐBQH Lê Như Tiến: - Thời gian qua chúng ta đã quyết tâm trong cả hệ thống chính trị, không ít văn bản pháp lý được ban hành (Luật phòng chống tham nhũng, quản lý công chức, quản lý vốn và tài sản… cùng với nhiều ban bệ như Ban phòng chống tham nhũng, nội chính…). Nếu có thiếu thì tôi nghĩ chỉ là sự quyết tâm thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhưng phải nói thật rằng tại các cơ quan, đơn vị khi quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì đôi khi lại có tác dụng ngược lại. Lý do là có tình trạng bao che, không muốn vạch áo cho người xem lưng rồi không muốn đơn vị xảy ra chuyện. Từ đó có chuyện lấp liếm, bao che cho kín đáo, thậm chí làm xiếc với những con số cho phù hợp.
Chính vì vậy dù có quyết tâm nhưng kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua còn khá khiêm tốn.
Tôi cho rằng muốn chống tham nhũng phải làm rất rõ việc minh bạch tài sản và nghĩa vụ giải trình. Nghĩa vụ giải trình mà không làm được tốt thì thuộc trách nhiệm người đứng đầu.
Lâu nay chúng ta có kê khai tài sản nhưng không công khai. Phải công khai ở nơi cư trú và nơi công tác thì các cử tri, cán bộ công chức dưới quyền người ta mới kiểm soát được và hơn ai hết, ở khu dân cư người ta biết ngay (anh có ô tô gì, nhà cửa ra sao, lối sống như thế nào…).
Chúng ta cứ nói phát huy vai trò “tai mắt” là nhân dân nhưng thực ra chúng tạo cơ chế cho nhân dân phòng, chống tham nhũng còn rất khiêm tốn.
Do vậy tôi nghĩ rằng cần phải tạo điều kiện tốt hơn nữa cho người dân thể hiện vai trò "tai mắt" giúp cơ quan thực thi trách nhiệm của nhà nước có thể hoàn thành công việc của mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn