Nhiều sáng kiến sáng tạo, đổi mới dạy học của những giáo viên trẻ đã hút hồn học sinh trong từng bài giảng
“Các em giải thích cho thầy biết ý nghĩa của câu đàn bà xấu thì không có quà?” - lời khơi gợi của thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên (GV) Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho bài giảng truyện cổ tích Tấm Cám khiến học sinh (HS) vô cùng hào hứng.
<center></center><center>Thầy Đỗ Đức Anh cùng học trò thực hiện dự án Học văn từ cuộc sống Ảnh: TẤN THẠNH</center>
Học từ cuộc sống
Tiết dạy của thầy Đỗ Đức Anh tiếp tục với những câu hỏi, tại sao Cám và dì ghẻ không có quà? Tại vì hai người này xấu, cái xấu này có phải là về hình thức hay tâm hồn…? Thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ: “Tôi luôn hình dung khi kể đến câu chuyện cổ tích này, lỡ có HS đứng lên nói “Thầy ơi, mẹ kế em rất thương em” hoặc phản biện: “Người mẹ nào chẳng thương con nên mẹ Cám vì thương Cám mà hại Tấm cũng dễ hiểu” thì tôi sẽ trả lời HS thế nào. Chính vì thế, ở mọi tình huống, tôi luôn sẵn sàng tìm một góc nhìn mới, khuyến khích các em phản biện”.
Thầy giáo trẻ luôn trăn trở đổi mới phương pháp sao cho bài giảng của mình đi vào lòng học trò. Làm sao để học trò không phải học những tác phẩm chết, khô cứng. Xuất phát từ ý tưởng đó, dự án học văn từ cuộc sống ra đời với các chủ đề gần gũi, nhân văn như “Sài Gòn - Những góc nhìn trẻ” để học trò có những góc nhìn về Sài Gòn xưa hay chủ đề “Người đàn bà đi nhặt mặt trời” là góc nhìn về những bà mẹ trẻ đơn thân, “Dấu chấm hết cho sự bắt đầu” là đề tài về tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ… “Mục đích của dự án là đưa HS tiếp xúc trực tiếp với những cảnh đời khác nhau, giúp các em hiểu thêm về mối quan hệ giữa cuộc đời và văn học thông qua việc học kỹ năng, trải nghiệm thực tế và thực hiện sản phẩm. HS sẽ cảm và hiểu hơn về cuộc sống, con người cũng như biết sống nhân ái hơn” - thầy Đỗ Đức Anh tâm sự.
Để học trò thể hiện mình
Sử dụng giáo án điện tử, tư liệu, hình ảnh để thu hút HS, tiết học của cô Phạm Thị Hoài Thương, GV Trường THPT Nhân Việt, luôn trở thành sân khấu kịch thu nhỏ. Ở đó, HS được hóa thân thành những nhân vật lịch sử do chính các em cảm nhận và tái hiện. “Để HS được sưu tầm, khai thác tư liệu thì các em sẽ nhớ bài hơn thay vì xem trong sách và nhớ những ngày tháng, sự kiện liên tiếp” - cô Thương tâm sự.
Trong khi đó, HS các khóa của Trường THPT Lê Quý Đôn hoàn toàn bị chinh phục với những giờ giảng của thầy Nguyễn Viết Đăng Du. “Nếu không đổi mới phương pháp giảng dạy thì HS sẽ quay lưng và chán thêm môn sử. Ở tiết học tích cực, GV chỉ là người đưa ra cái sườn, còn kịch bản, cách thể hiện là do HS chủ động. Chẳng hạn, khi học về văn hóa Ấn Độ, các em được quyền làm cả những món cà ri và mời các lớp khác đến ăn” - thầy Du chia sẻ.
Ngoài đổi mới giờ học, thầy Nguyễn Viết Đăng Du còn thu hút HS với cách kiểm tra rất… dễ thương. Thay vì phải nhớ những sự kiện nặng nề, HS được làm các dạng bài viết cảm nhận, vẽ biểu đồ, xem phim và so sánh với bài học. “Tôi luôn tâm niệm phải biến những giờ học sử thành những giờ học mà ở đó, HS được thoải mái thể hiện mình” - thầy Du nói.
Theo 24h.vn
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn