Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế vừa đưa ra cảnh báo về một trường hợp tử vong sau khi uống rượu ngâm rễ cây. Không phải đến bây giờ, các vụ ngộ độc do rượu ngâm mới xảy ra nhưng các "đệ tử lưu linh" vẫn không mấy quan tâm. Theo các chuyên gia của Cục ATTP, không phải cái gì ngâm với rượu cũng có công dụng bổ dưỡng, chữa bệnh thậm chí nếu ngâm rượu không đúng cách có thể sẽ gây ngộ độc.





Chết vì rượu ngâm rễ cây

Sáng 7-11 đã xảy ra vụ ngộ độc rượu tại nhà ông Lù Lèng Séng (45 tuổi thôn Tùng Lâu 2, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) khiến 1 người tử vong và 3 người phải đi cấp cứu. Được biết, ông Séng mời 3 người đến nhà uống rượu ngâm với rễ cây sảm hóa. Loại cây này được bà con địa phương truyền tai nhau về công dụng chữa đau lưng. Sau khi uống, cả 4 người đều thấy hoa mắt, chóng mặt, hai mắt díp lại không mở được. Ngay sau đó, ông Séng tử vong và những người còn lại phải đưa đi cấp cứu. Sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mường Khương tiến hành điều tra xác minh, tìm nguyên nhân gây ngộ độc. Kết quả bước đầu cho thấy: Căn nguyên dẫn đến vụ ngộ độc này chính là độc tố tự nhiên có trong rễ cây ngâm rượu gây ra.









Trước đó, gia đình ông A Loang (ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) tổ chức chiêu đãi bạn bè, 6 người cùng uống rượu ngâm với cây rừng. Sau 3 giờ, cả 6 người đều có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, chân yếu, loạng choạng, vật vã… và phải đưa đi cấp cứu. Riêng A Hé do uống nhiều rượu nhất nên đã tử vong ngay trên đường cấp cứu.

Trước thực tế trên, các chuyên gia về y học cổ truyền cho rằng, sai lầm của nhiều người là cứ nghe thấy con vật hay loài cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, trị bệnh, tốt cho xương khớp là bê nguyên con, nguyên cây, nguyên củ quả cho vào ngâm rượu. Chẳng hạn, có người đã dùng nấm lim xanh để ngâm rượu vì nghĩ rằng sẽ rất bổ mà không biết rằng điều đó nguy hiểm, bởi nấm mọc trên cây lim xanh chứa nhiều độc tố. Một loài vật được sử dụng nhiều để ngâm rượu là tắc kè, theo y học cổ truyền, tắc kè có công dụng tốt cho sinh lý, chữa đau nhức phong thấp nhưng mắt của con vật này lại có chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy, trước khi ngâm rượu cần làm sạch tắc kè, bỏ hai con mắt và lục phủ ngũ tạng, nướng sơ qua. Điều nguy hiểm hơn nhưng ít người biết với các con vật, nếu sử dụng rượu 40 độ hay thấp hơn để ngâm rồi uống thì sẽ rất bẩn và độc. Bởi với nồng độ đó, rượu không những không làm chín con vật mà còn khiến con vật bị phân hủy và sinh ra độc tố.

Ngâm không đúng cách sẽ gây độc

Từ các vụ ngộ độc do uống rượu tự ngâm thời gian qua, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP) phân tích, các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là do uống rượu quá nhiều, rượu ngâm với các loại động vật, rễ, củ, quả có độc tính cao… hoặc ngâm không theo định lượng nhất định. Do đó, người dân tuyệt đối không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá... Thậm chí, nếu uống quá nhiều rượu cũng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ ngộ độc; về lâu dài còn gây bệnh như tổn thương não, xơ gan, viêm loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ… Để uống rượu an toàn, mỗi người không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700 ml/ngày đối với bia.

Đối với rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố, đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45 đến 55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng 40-50 độ. Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm. Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) Phạm Duệ cho rằng, việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có bài, có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. "Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì nó sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp… rất nguy hiểm", ông Phạm Duệ nhấn mạnh.

Còn theo Trưởng khoa Y học cổ truyền (BV Quân y 108) Hoàng Khánh Toàn, muốn đạt hiệu quả của việc ngâm rượu thuốc, người dùng cần được khám tỷ mỷ và chẩn đoán bệnh chính xác. Dựa vào kết quả thăm khám, các bác sĩ Đông y mới chọn ra các thứ thuốc phù hợp và hướng dẫn cách thức ngâm rượu uống sao cho an toàn và hiệu quả. Ngay cả khi ngâm thuốc bổ, người cắt thuốc cũng cần phải nắm được các đặc điểm về tuổi tác, giới tính, thể chất của người dùng, nghĩa là phải xác định được phần nào hư yếu như: Âm hư, dương hư, khí hư hay huyết hư và phủ tạng cần bồi bổ (Tâm, can, tỳ phế, thận). Nếu lạm dụng rượu tự ngâm một cách tùy tiện thì bổ chưa thấy đâu mà vô tình sẽ rước họa vào thân.
Theo hanoimoi

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn