Vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày - tá tràng như: chứng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng. Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) gặp trên 80% dân số nước ta. Vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày - tá tràng như: chứng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng.
Một số nhỏ có thể bị ung thư dạ dày, vì điều này tùy thuộc vào vai trò gen của người bị nhiễm cũng như vào các loại gen độc hại của một số các vi khuẩn H. pylori.
Tại sao nhiễm vi khuẩn H. pylori lại có thể gây bệnh?
Không phải tất cả những người bị nhiễm vi khuẩn này đều bị bệnh. Có người nhiễm nhưng không hề có biểu hiện gì cả hay chỉ là người mang mầm bệnh; có người bị nhiễm dẫn đến các bệnh mở đầu là viêm dạ dày, sau đến loét và có thể có các biến chứng như: chảy máu, thủng hoặc ung thư...
Nhiễm vi khuẩn H. pylori có các biểu hiện như thế nào?
Người bị nhiễm có thể có các biểu hiện: đau bụng ở các mức độ khác nhau (đau âm ỉ, đau quặn bụng) hoặc có cảm giác nóng rát vùng bụng trên rốn kèm theo buồn nôn, nôn ói, đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu, trướng bụng, ợ hơi, hơi thở có mùi hôi, rối loạn đi cầu hoặc đi phân sống. Các biểu hiện trên làm cho người bị nhiễm vi khuẩn H. pylori mất hứng thú trong ăn uống và giảm phần nào chất lượng cuộc sống.
<center></center>
Thói quen dùng đũa của mình để gắp thức ăn chung làm tăng nguy cơ lây nhiễm
Chẩn đoán và điều trị nhiễm vi khuẩn H. pylori ra sao?
Để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H. pylori có thể dùng các phương pháp không cần nội soi (như: thử máu, thử phân, thử nghiệm hơi thở) hoặc các phương pháp lấy mẫu niêm mạc dạ dày qua nội soi (làm CLO test, đọc giải phẫu bệnh, nuôi cấy, và làm phản ứng chuỗi polymerase-PCR). Để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H. pylori được chính xác, trước thử nghiệm phải ngưng dùng các thưốc kháng tiết và kháng sinh ít nhất 4 tuần lễ.
Việc điều trị nhiễm H. pylori cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Hiện nay điều trị tiệt trừ H. pyloricó tỉ lệ thất bại khá cao, từ trên 20% đến hơn 40% trường hợp, vì tình trạng vi khuẩn kháng thuốc do chỉ định và sử dụng kháng sinh không đúng quy cách.
Cách ăn uống như thế nào để phòng lây nhiễm vi khuẩn H. pylori?
H. pylori chủ yếu lây nhiễm qua đường ăn uống. Do đó, để phòng ngừa lây nhiễm cần ăn chín, uống sạch. Ví dụ nước đá phải làm từ nước đun sôi để nguội, uống bia hay nước ngọt nên dùng ướp lạnh. Hạn chế ăn rau sống, vì nguồn rau sạch rất hiếm, hơn nữa nước dùng để rửa rau cũng phải chọn lựa cẩn thận (nước máy, nước được khử trùng, nước sông suối không bị ô nhiễm...).
Về cách ăn uống nên tránh các thói quen lâu nay: chấm chung một chén nước mắm, lấy đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người bên cạnh... vì vi khuẩn H. pylori có trong nước bọt hay ở mảng cao răng của người bị nhiễm. Hiện nay, tại một số nhà hàng ở nước ta đã bắt đầu việc dọn các phần ăn riêng cho từng người như ở các nước phát triển. Cũng không dùng chung ly uống rượu, chẳng hạn rót một ly rượu đầy và xoay vòng mỗi người nhấp một ngụm nhỏ. Ngoài ra, để bữa ăn gia đình đảm bảo được vệ sinh, khi ăn có thể áp dụng dọn mỗi người một chén nước chấm riêng, mỗi bát canh, dĩa thịt... cần có một muỗng (thìa) dùng chung để lấy thức ăn. Cũng cần bỏ thói quen liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy. Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn.
Trong khám chữa bệnh chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân tái nhiễm vi khuẩn H. pylori sau khi đã điều trị tiệt trừ thành công. Các bệnh nhân này nghĩ rằng đã kiểm tra hết vi khuẩn H. pylori thì có thể ăn uống thế nào cũng được và không ngờ chính cách ăn uống không đúng cách lại là nguồn gốc của tái nhiễm. Sau gần 30 năm kể từ ngày tìm ra vi khuẩn H. pylori, hiện thế giới vẫn chưa có vắc-xin chủng ngừa phòng lây nhiễm hoặc tái nhiễm H. pylori.
Theo Suckhoedoisong
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn