Ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường phát triển dược liệu là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế xã hội Quảng Ninh.
Sáng 9/11, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển dược liệu Quảng Ninh”. Hội nghị được tổ chức với mục đích giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh chế biến và sản xuất, phát triển dược liệu ở Quảng Ninh. Bên cạnh đó cũng là cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các địa phương.
Quảng Ninh là địa phương có thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, đặc trưng cho vùng núi thấp, núi cao đến các vùng đồng bằng, cửa sông, nước lợ, vùng triều, thềm lục địa và hải đảo. Đặc biệt trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm có giá trị cao như: Ba kích, Hồi, Quế, Trầu một lá, Bình vôi, Bá bệnh, Kim ngân hoa, Nhân trần, Ý dĩ…
GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị.
Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ lợi thế so sánh, xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế và khẳng định xúc tiến đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường phát triển sản xuất dược liệu là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tham gia trồng, phát triển cây thuốc như chính sách về đất đai, về tài chính... đã được ban hành. Nhờ đó mà trên địa bàn Quảng Ninh đã hình thành nhiều mô hình nuôi trồng, phát triển cây thuốc như: HTX Toàn Dân, Công ty TNHH trồng chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc, Công ty cổ phần Secoin Quảng Ninh… Đến nay, trên địa bàn Tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây dược liệu, đây là những hạt nhân quan trọng để hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn.
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên việc phát triển dược liệu ở Quảng Ninh còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh với nhiều lý do, như việc khai thác tài nguyên cây thuốc còn mang tính tự phát, chưa quan tâm đến tái sinh, bảo tồn dẫn đến nhiều cây thuốc đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Quá trình phát triển dược liệu mới dừng ở mức phần lớn là xuất thô, chưa quan tâm nhiều đến việc sơ chế, chế biến, tạo ra các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị dược liệu; các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng sản xuất trên địa bàn tỉnh còn ít, dạng bào chế đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao và chưa có sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu được sản xuất trên địa bàn tỉnh…
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Quảng Ninh sẽ đầu tư mạnh mẽ, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh. Địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ là nơi để các nhà khoa học làm thí điểm.
“Trước triển vọng này, Quảng Ninh rất cần có sự ủng hộ của các Bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT quan tâm đầu tư hỗ trợ để chương trình phát triển dược liệu của tỉnh Quảng Ninh phát triển và coi đây là điểm để ta rút kinh nghiệm, nhân rộng ra trong toàn quốc”, ông Hậu nhấn mạnh.
GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hi vọng sau Hội nghị này, cùng với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của nhà nước nói chung, Quảng Ninh sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào công tác phát triển dược liệu.
“Công tác phát triển dược liệu sẽ ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Đồng thời nâng cao được hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu”, Thứ trưởng Lê Quang Cường nêu rõ.
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày dược phẩm tại Hội nghị.
Là một đơn vị sản xuất dược liệu đứng đầu cả nước, Traphaco cũng đã hợp tác với tỉnh Quảng Ninh phát triển nhiều loại cây dược liệu như cây: Đinh lăng, hoài sơn… và một số cây dược liệu trên quy mô thử nghiệm.
“Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi ở đây đó là có được sự đồng thuận cao từ UBND tỉnh xuống tới các cấp huyện và đặc biệt là sự hưởng ứng của bà con tại Quảng Ninh với phát triển cây dược liệu. Chắc chắn trong thời gian sắp tới, sự đầu tư của Traphaco với tỉnh Quảng Ninh sẽ lớn hơn”, ông Nguyễn Huy Văn, Phó TGĐ Traphaco hy vọng.
Cũng tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Y tế đã công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và Ban soạn thảo Đề án xây dựng “Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia Yên Tử”. Đồng thời tỉnh Quảng Ninh cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho Trung tâm bảo tồn, phát triển sinh vật cảnh và làm vườn Quảng Ninh dự án trồng rừng, bảo tồn, phát triển cây cổ thụ, cây quý hiếm, cây cảnh quan đô thị và cây xanh xuất khẩu tại huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng.
Các đơn vị liên quan cũng ký 13 biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng, chế biến tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển vùng dược liệu giữa các công ty dược của Trung ương, địa phương với UBND các huyện, công ty, hợp tác xã tại Quảng Ninh
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất những giải pháp, sáng kiến định hướng cho ngành trồng trọt, chế biến, sản xuất và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm dược liệu và chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh gắn với phát triển doanh nghiệp Khoa học công nghệ và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và những tiềm năng, thế mạnh về dược liệu của tỉnh, Quảng Ninh hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển thành một trung tâm dược liệu lớn của Việt Nam, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho nhân dân và thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”./.
Hoàng Trình- Phạm Phong/VOV – Quảng Ninh
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn