Nghi án Công ty Bio-Rad bỏ ra 2,2 triệu USD cho quan chức Việt Nam để giành hợp đồng y tế, theo Ban Nội chính, cơ quan Công an và VKS sẽ phải làm trước để xử lý tin báo tố giác tội phạm.
Chia sẻ với PV, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, vụ việc hiện vẫn chỉ ở giai đoạn ban đầu, cơ quan điều tra đang vào cuộc, nên chưa có cơ sở để đưa ra những nhận định, đánh giá về vụ việc. Do vậy mọi việc vẫn phải chờ đợi kết quả từ cơ quan điều tra.
Ông cũng cho biết, qua nguồn thông tin đó, cơ quan Công an và VKS sẽ phải làm trước để xử lý tin báo tố giác tội phạm. Hiện chưa có gì trong tay nên Ban Nội chính chưa thể đưa ra ý kiến gì.
“Bộ Y tế đang có sự chỉ đạo với một thái độ rất rõ ràng, và không bao che gì hết. Khi có cơ sở, lúc đó mới xác định được tính chất mức độ tôi danh có thuộc tội tham nhũng không. Còn bây giờ thì chưa có cơ sở gì cả, vì đây chỉ là những thông tin ban đầu” – Phó Ban nội chính chia sẻ.
Thông báo của Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ về vụ việc của Bio-Rad (Ảnh chụp màn hình)
Cùng quan điểm này, trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phạm Ý Nhi – Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho rằng, vụ việc cần phải chờ đợi kết quả điều tra, giống như vụ việc liên quan đến ngành đường sắt trong ngành giao thông, chứ chưa thể vội vàng đưa ra bình luận.
Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, đối với việc đấu thầu các sản phẩm, thiết bị y tế thì ở đâu cũng đều phải tuân thủ Luật đấu thầu. Do vậy, khi kết luận một vấn đề gì đó phải có cơ sở, không nên phỏng đoán và càng không thể “vơ đũa cả nắm” được. Mặt khác đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân nên tất cả những phát ngôn cần phải thận trọng.
Về việc báo cáo các sản phẩm đã mua của đơn vị này với Bộ Y tế, theo đại biểu Nhi, khi Bộ yêu cầu thì các Sở Y tế sẽ thực hiện, và việc này cũng sẽ minh bạch, rõ ràng, vì thiết bị y tế mua ở đầu, từ năm nào đều lưu hết trong hồ sơ cả.
Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, người đã từng đề cập đến vấn đề đấu thầu thuốc tại diễn đàn Quốc hội thì cho rằng, động thái của Bộ Y tế thể hiện trách nhiệm và kịp thời. Tuy nhiên cử tri và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến sự minh bạch trong việc tổ chức đấu thầu thiết bị y tế diễn ra trong nhiều năm trước. Bởi nếu phía nước ngoài không phát giác thì Việt Nam cũng không phát hiện được và không thể biết giá thực của lô thiết bị y tế đó bao nhiêu.
Đại biểu cũng cho rằng, đây hoàn toàn là trách nhiệm của ngành y tế, vì tuy có quy định về đấu thầu trang thiết bị y tế nhưng Bộ cũng phải có trách nhiệm giám sát xem việc thực hiện đấu thầu đó đúng hay không?
“Những việc đấu thầu như thế này chắc chắn không công bằng, giá đắt lên rất nhiều và người ta sẽ dùng tiền chênh lệch đó để hối lộ cho cán bộ ngành y tế. Đây là điều rất đáng báo động. Bởi số lượng trang thiết bị y tế nhập khẩu về hàng năm rất lớn” – đại biểu Cương nhìn nhận.
Giải pháp cho việc này, theo đại biểu cần có sự kiểm soát rất nghiêm ngặt việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Luật Đấu thầu sửa đổi mới có hiệu lực để kiểm soát việc đấu thầu theo đúng quy định. Nhưng quy định của luật Đấu thầu không phải không có những kẽ hở nhất định thì cơ quan chức năng cũng phải phát hiện, sửa đổi, bổ sung lại chính sách.
Theo nhìn nhận của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, việc sử dụng khái niệm chi hoa hồng chưa chính xác vì hoa hồng có hàm nghĩa là khoản chi không lớn. Nhưng với những hợp đồng mà chi bôi trơn tới 2,2 triệu USD như vụ việc mới được nêu thì không còn gọi là tiền hoa hồng nữa, mà phải gọi chính xác là hối lộ.
Theo vtc
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn