Bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngày 6-11, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - ủy viên thường trực ủy ban Pháp luật, người đã nhiều lần chất vấn bộ trưởng Bộ y tế về những vấn đề tiêu cực liên quan đến ngành này - đã bày tỏ quan điểm về nghi án Công ty Bio-Rad hối lộ quan chức VN.





Ông nói: "Tôi cho rằng việc Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra nghi án này là thể hiện trách nhiệm và kịp thời. Tuy nhiên, điều được đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm là việc quản lý đấu thầu thiết bị y tế diễn ra trong nhiều năm về trước. Nếu nước ngoài không phát giác chuyện này thông qua các kết quả kiểm tra thuế, chứng từ... thì VN coi như không phát hiện.
Như vậy, chúng ta đang phải sử dụng một số thiết bị y tế với giá cao bởi nó bao hàm trong đó số tiền chúng ta phải trả cho việc hối lộ. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Quy định về đấu thầu là như vậy, nhưng bộ là cơ quan chuyên môn nên phải giám sát việc đấu thầu ấy như thế nào.
Nghi án Công ty Bio-Rad hối lộ chỉ là một sự kiện khiến dư luận rất bất bình, bởi hằng năm VN phải nhập khẩu một số lượng thiết bị y tế rất lớn và số tiền chắc chắn là không nhỏ. Tình trạng tham nhũng, thiếu minh bạch trong đấu thầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh".
Có những thông tin cho thấy việc chi hoa hồng trong các hợp đồng cung cấp thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh là khá phổ biến, vụ việc vừa qua chỉ là một phát hiện cụ thể. Vậy theo ông, cần có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Đúng vậy, vụ việc bị phát giác vừa qua chỉ là với một hãng, trong khi đó mỗi năm có đến hàng trăm hãng cung cấp thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho thế giới, trong đó có VN. Mỗi cuộc đấu thầu thì có nhiều hãng tham gia, nhưng cũng chỉ vì lợi ích của một số người mà dẫn đến những chuyện tiêu cực như vậy.
Tôi nghĩ Bộ Y tế phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm soát các cuộc đấu thầu cung cấp thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh. Luật đấu thầu vừa được Quốc hội sửa đổi cũng sẽ giúp việc kiểm soát đấu thầu trong lĩnh vực y tế tốt hơn. Tôi biết hiện nay tình trạng hối lộ thông qua các hợp đồng cung cấp thuốc chữa bệnh cũng rất đáng báo động, bởi các hãng dược hằng ngày hằng giờ cho người đến các bệnh viện tiếp thị, tiếp xúc với bác sĩ. Họ làm mọi cách để mỗi khi kê đơn thì bác sĩ điền tên thuốc hãng của họ vào đó. Đây là vấn đề làm người bệnh và thân nhân người bệnh rất bức xúc.
Làm thế nào để phân biệt được hoa hồng và hối lộ, theo ông?
Tôi cho rằng hoa hồng chỉ giới hạn trong phạm vi rất nhỏ. Chứ con số lên đến 2,2 triệu USD như trong nghi án trên đây thì không thể nói là hoa hồng. Đúng là để khuyến khích sử dụng sản phẩm của các hãng thuốc, các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị y tế thì họ cũng có một khoản tiền hoa hồng rất nhỏ. Bây giờ chúng ta không biết việc lại quả bao nhiêu phần trăm trong mỗi hợp đồng, mỗi đơn thuốc... thì được gọi là giới hạn của hoa hồng. Vì vậy, cần phải có quy định rất chặt chẽ, cụ thể về việc này.
Dư luận cho rằng không chỉ minh bạch hóa việc đấu thầu, vấn đề chính là hiện vẫn tồn tại những “sân sau" của các quan chức ngành y tế, họ có thể hưởng những khoản tiền kếch xù bất chính từ các "sân sau" bởi thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh là những sản phẩm mà muốn nhập khẩu, sử dụng phải đáp ứng các điều kiện của cơ quan chức năng...
-Đây là vấn đề rất lớn và nhức nhối. Việc đấu thầu thuốc không chi ở giá thuốc, mà còn có thể có sự tác động của một vài quan chức vào đấy nữa. Việc đấu thầu thuốc ở TP.HCM vừa rồi mà Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã vào cuộc một lần nữa cho ta thấy vấn đề tiêu cực, bất cập trong đấu thầu thuốc. Tôi đang tìm hiểu thông tin về vụ việc này và sẽ trả lời báo chí sau.
Lê Kiên/ Tuổi trẻ

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn