Tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược tại Hà Nội, có nhiều ý kiến đề xuất sử dụng môn Văn để xét tuyển vào trường y. Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ sự hào hứng cổ súy cho quan điểm này. Và câu chuyện cần thiết hay không cần thiết môn Văn cho ngành Y, đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong đời sống xã hội.
Nếu đưa môn Văn vào tuyển sinh ngành Y chỉ nhằm có những bác sĩ có khả năng tạo ra những bản báo cáo hay ho và đúng văn phạm thì e rằng không hợp lý. Bởi lẽ, bác sĩ nào viết sai chính tả thì phải hỏi vì sao bác sĩ ấy có thể tốt nghiệp Tú tài? Ngược lại, cứ khăng khăng bác sĩ chỉ yêu cầu giỏi chuyên môn, chứ không cần chữ nghĩa, thì e rằng cũng không hợp lý. Bởi lẽ, bác sĩ không biết khơi gợi lòng trắc ẩn của bản thân thì không thể thấu hiểu hoàn cảnh đau đớn của từng bệnh nhân. Sự cần thiết của môn Văn ở đây có giá trị đề cao tinh thần nhân văn của ngành Y.
Khi yếu tố thị trường len lỏi và chi phối mọi hoạt động của cộng đồng thì vấn đề y đức bỗng gây nhức nhối lương tri. Nhiều cái chết oan uổng đã xảy ra một cách đáng tiếc, do sự lạnh lùng và sự bất cẩn của các bác sĩ. Dù cố bao biện cách nào cũng không che giấu được sự thật, không ít bác sĩ bây giờ cuống cuồng chạy theo danh lợi, đặt đồng tiền lên trên mọi chuẩn mực và đạo lý. Trong trường hợp bác sĩ đã xem bệnh nhân như khách hàng để mưu cầu vật chất thì lời thề Hippocrates giống như một thủ tục chiếu lệ lúc tuyên thệ ra trường, và từng ngày sẽ giống như gió thoảng qua tai!
Không phải quá cay nghiệt, nhưng thử bước chân vào bất kỳ bệnh viện nào để quan sát cách bác sĩ đối xử với bệnh nhân nghèo và bệnh nhân giàu, sẽ thấy ngay hai thái độ hoàn toàn dị biệt! Đó là nỗi xót xa không của riêng ai. Vì vậy, môn Văn cũng là tiền đề để bác sĩ bớt nhìn bệnh nhân như một cái máy ATM di dộng. Và từ đó, chúng ta mới hy vọng ở nhà riêng của mỗi bác sĩ thì góc trân trọng nhất là bàn đọc sách, chứ không phải tủ rượu hay dàn karaoke.
Nếu ngành Y tế làm một cuộc khảo sát nghiêm túc, chẳng ai dám chắc chắn có bao nhiêu phần trăm bác sĩ từng đọc qua vài cuốn sách liên quan đến nghề nghiệp như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" hoặc những danh tác như "Thân phận thầy lang" hoặc "Bác sĩ Zhivago".
Để bác sĩ tự hào sứ mệnh chăm sóc sức khỏe đồng loại, cũng đòi hỏi trách nhiệm của nhiều lĩnh vực khác. Dân tộc Việt Nam có nhiều nhân vật lừng lẫy giới y học, sao chưa có những bộ phim hay những tiểu thuyết về Tuệ Tĩnh hoặc Hải Thượng Lãn Ông nhằm kích hoạt tinh thần nhân văn của nghề y?
Theo cand
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn