Nhưng việc ăn kiêng quá mức, stress hay thiếu hiểu biết sẽ khiến sữa mẹ ngày càng cạn dần.
Để dành" sữa
Cho con bú ít, không cho trẻ bú đêm, bỏ bữa bú để "để dành" sữa là nguyên nhân đầu tiên khiến mẹ ít sữa. Sữa mẹ được sản xuất theo cơ chế cung - cầu, nên mẹ cho bé bú càng nhiều thì mẹ sẽ càng tăng tiết sữa.
Dù mẹ ít sữa, vẫn nên tích cực cho trẻ bú mẹ, chớ vội vàng cho trẻ ăn uống các thức ăn khác để bồi bổ cho trẻ. Chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ đã được tối thiểu 4 tháng tuổi. Thức ăn dặm và sữa ngoài có thể làm trẻ ốm, bệnh và càng chậm lớn hơn.
Cho con bú theo lịch
Sữa mẹ sẽ giảm dần đi nếu mẹ cho con bú theo một lịch cứng nhắc. Mẹ hãy nhớ, cơ thể mẹ không hoạt động như một chiếc đồng hồ, không thể tiết sữa theo một lịch cố định suốt cả ngày.
Khi thấy em bé quấy, hãy cho bé bú mẹ. Kể cả khi bé chỉ bú trong vài phút, việc này cũng sẽ giúp kích thích bầu ngực của mẹ sản xuất ra nhiều sữa hơn.
Trẻ bú sữa bình hoặc sữa ngũ cốc sẽ ngủ lâu hơn sau bữa ăn. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng, đây là dấu hiệu trẻ cần bú thêm sữa ngoài chứ không chỉ sữa mẹ. Thực ra sữa bò và ngũ cốc lâu tiêu hơn sữa mẹ. Trẻ không đói, sẽ bú mẹ ít hơn do đó lượng sữa mẹ sẽ giảm.
Dùng thuốc tránh thai
Trong thuốc tránh thai có chất làm thay đổi nội tiết tố của mẹ khiến lượng sữa của mẹ bị giảm sút. Mẹ có thể dùng một số biện pháp tránh thai an toàn khác, chẳng hạn như bao cao su để không bị ảnh hưởng đến nguồn sữa cho bé tu ti.
Cho con ngậm ti giả
Cảm giác khi chạm vào ti giả rất khác với cảm giác khi chạm vào bầu sữa mẹ. Nếu mẹ lạm dụng ti giả cho con ngậm, bé sẽ dần “chán” ti mẹ và chỉ thích ngậm ti giả mà thôi. Đó là còn chưa kể, bé quen ngậm ti giả sẽ khó ngậm ti mẹ đúng cách. Bé ít bú sữa mẹ khiến bầu sữa mẹ không được kích thích, dẫn đến việc mẹ càng ít sữa.
Đặt miệng bé vào ti mẹ không đúng cách
Bé ngậm bắt vú tốt là yếu tố quan trọng để bú hiệu quả, kích cho sữa mẹ tiết ra nhiều hơn. Nếu bé ngậm bầu vú tốt, bạn sẽ nhìn thấy quầng vú phía trên lộ ra nhiều hơn phía dưới. Nếu chỉ ngậm núm vú của mẹ, bé sẽ làm như khi mút ti giả và không kéo được sữa ra ngoài. Hút bầu sữa mẹ như hút bình sữa sẽ không mang lại gì nhiều vì bể chứa sữa chưa được xoa bóp đẩy sửa vào núm vú.
Trẻ ngậm vú mẹ chưa đúng cách
Điều này thường xảy ra khi trẻ đã được cho bú bình vài lần. Đôi khi các bà mẹ trẻ cũng chưa có kinh nghiệm nên cho trẻ bú sai kỹ thuật. Trẻ ngậm không hết quần vú sẽ không mút được sữa và không kích thích được phản xạ xuống sữa. Trẻ thì bị đói còn người mẹ thì cho rằng mình không đủ sữa nên sẽ cho trẻ bú sữa bình.
Hãy cho trẻ bú đúng cách: Ngậm sâu cả quầng vú chứ không chỉ núm vú mẹ.
Uống không đủ nước
Mẹ cần phải uống thật nhiều nước hàng ngày để đủ cho việc tạo sữa và nhu cầu của cơ thể, tốt nhất là từ 1,5-2 lít/ngày. Việc uống nước cần diễn ra thường xuyên suốt cả ngày chứ đừng đợi đến khi khát mới uống. Nếu mẹ thấy nước tiểu của mình trong, cơ thể không bị táo bón thì có thể yên tâm rằng mẹ đang uống đủ lượng nước cần thiết
Dinh dưỡng kém
Dinh dưỡng của mẹ quá kém có thể dẫn tới lượng sữa và lượng chất béo trong sữa sẽ cũng ít hơn người mẹ có dinh dưỡng đầy đủ. Trẻ sẽ không tăng cân như bình thường nữa. Những bà mẹ thiếu dinh dưỡng thường khó khăn về kinh tế nên không có điều kiện cho trẻ uống thêm sữa hộp và cũng phải làm việc cực nhọc hơn nên khó có thể cho trẻ bú thường xuyên.
Không biết vệ sinh, kích thích vú tiết sữa
Trong thời kỳ mang thai cần vệ sinh núm vú mỗi lần tắm để núm vú luôn trong tư thế sẵn sàng tiết sữa sau khi sinh. Sau khi sinh, hãy xoa nhẹ đầu vú để vú tiết sữa. Nếu vú bị cương và ứ sữa, bạn có thể dùng khăn ấm xoa bóp bầu vú để sữa tan ra. Sau đó, dùng chiếc lược chải đầu chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để các tuyến sữa được thông.
Nghỉ ngơi không hợp lý
Sau sinh cơ thể mẹ thường yếu, sức đề kháng kém vì vậy các mẹ cần có một chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Tuy nhiên, nhiều mẹ vì chăm con mà mất ngủ, ngủ không đủ giấc, hoặc một số mẹ khác do hoàn cảnh phải làm việc sớm và làm việc quá sức dẫn đến hoạt động tuyến sữa bị yếu. Do đó, kéo theo tình trạng ít sữa, tắc sữa thậm chí mất sữa.
Suy nghĩ tiêu cực
Có thể mẹ sẽ bị bất ngờ khi biết rằng tâm lí cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất sữa. Vì thế, nếu mẹ đang bị mất sữa, ít sữa, đừng vội nản chí, buồn rầu, cho rằng mình kém cỏi, không đủ sữa để nuôi con. Hãy cứ bình tĩnh, không hấp tấp nóng vội, giữ cho tâm lí thoải mái, không bị căng thẳng, áp lực, chắc chắn nguồn sữa dạt dào thơm ngon cho bé sẽ sớm “về”.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn