Nhau thai đóng vai trò truyền dinh dưỡng và oxy từ máu của mẹ vào tới bào thai. Ngoài ra, nhau thai còn liên kết với bào thai thông qua dây rốn.
Ngay từ khi trứng được thụ tinh thì nhau thai cũng hình thành. Nhau thai là một trong những bộ phận góp phần nuôi dưỡng bào thai. Nhau thai đóng vai trò truyền dinh dưỡng và oxy từ máu của mẹ vào tới bào thai. Ngoài ra, nhau thai còn liên kết với bào thai thông qua dây rốn.
Tuy nhiên ở mỗi mẹ bầu thì vị trí nằm của nhau thai cũng khác nhau. Từ tuần thứ 11-12 của thai kỳ, các bác sĩ đã có thể thấy được hình ảnh bánh rau thông qua siêu âm bằng đầu dò âm đạo.
Thông thường nhau thai có 4 vị trí sau là những vị trí bình thường khi nhau thai bám vào và phát triển:
- Nhau bám mặt trước (ở phía trước thành tử cung). Có một rắc rối nhỏ với nhau bám mặt trước là nhiều khả năng, người mẹ phải chỉ định mổ đẻ.
- Nhau bám mặt sau (ở phía sau thành tử cung).
- Nhau bám ở phía trên thành tử cung.
- Nhau bám ở bên phải hoặc bên trái tử cung.
Nếu trong tờ ghi kết quả siêu âm, bạn được bác sĩ xác định những vị trí nhau thai như trên thì hoàn toàn yên tâm. Nếu gặp phải một trong những vị trí sau của nhau thai, bạn nên lưu ý:
1. Nhau thai bám thấp
Trong giai đoạn đầu mang thai, hợp tử (trứng đã được thụ tinh) bám vào tử cung, dần hình thành nên nhau thai. Nếu hợp tử này “cư trú” ở phía dưới tử cung thì sẽ kéo theo hiện tượng nhau thai bám thấp.
Nguyên nhân:
Có thể do người mẹ bị dị dạng tử cung hoặc có tiền sử nạo, hút thai. Nhiều người cho rằng nhau thai bám thấp chính là nhau tiền đạo, tuy nhiên, nó chỉ là một phần của nhau tiền đạo.
Nguy cơ
Nhau thai bám thấp sẽ làm cản trở đường đi của thai khi mẹ chuyển dạ. Nếu mắc phải hiện tượng nhau bám thấp, khi cổ tử cung mở (trong giai đoạn chuyển dạ) cũng là lúc nhau thai tràn ra ngoài. Nó sẽ khiến thai phụ bị mất máu, thậm chí gây tử vong cho thai phụ.
Mẹ bầu có nhau thai bám thấp thì nguy cơ sảy thai và sinh non là rất cao.
Những mẹ bầu có nhau thai bám thấp thường được bác sĩ chỉ định cho mổ đẻ hoặc phải nhập viện sớm để theo dõi cơn chuyển dạ.
Một số nghiên cứu cho rằng: nhau thai bám thấp vào đầu thai kỳ hiếm khi là dấu hiệu nguy hiểm trừ khi hiện tượng này sảy ra ở cuối quý III. Trong thời gian đầu, hợp tử (trứng đã thụ tinh) cấy trong tử cung và hình thành nên nhau thai. Sự cấy này ở thấp trong tử cung có thể khiến nhau thai bao phủ cổ tử cung và gọi là nhau thai bám thấp. Đa số các trường hợp nhau thai sẽ tự kéo lên cao trong thai kỳ, hướng về phía đầu của tử cung và tránh xa dần phía cổ tử cung.
Thai phụ bị nhau thai bám thấp sẽ được bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi nhiều hơn, không khiến xương chậu mệt mỏi (kiêng quan hệ vợ chồng). Nếu nhau thai bao phủ toàn bộ tử cung hoặc bị ra máu nặng, mổ đẻ là giải pháp cần thiết.
2. Nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược là bánh nhau ăn vào tử cung. Bình thường sau khi sinh, tử cung co hồi lại, bánh nhau bong ra khỏi thành tử cung và sổ ra ngoài. Nhau cài răng lược là bánh nhau ăn sâu vào lớp cơ tử cung nên không thể bong tróc được sau sinh. Tình trạng này gọi là nhau cài răng lược.
Nguyên nhân
Nguyên nhân cụ thể của nhau cài răng lược là không rõ, nhưng nó có thể liên quan đến nhau tiền đạo và mổ đẻ trước đó. Nhau cài răng lược hiện diện ở 5-10% phụ nữ có nhau tiền đạo. Theo thống kê chung của thế giới, những phụ nữ đã sinh mổ lần 1 thì nguy cơ bị nhau cài răng lược ở lần mang thai tiếp theo tăng 4,5 lần so với người sinh thường.
Nguy cơ
Nhau cài răng lược có thể đe dọa đến tính mạng thai phụ và thai nhi. Tỷ lệ nhau cài răng lược ở thai phụ là khoảng 1/2500.
Khi nhau cài răng lược xuất hiện thì mẹ bầu rấy có thể sẽ sinh non.
Chuyển dạ sớm và những biến chứng sau đó của nhau cài răng lược là điều mẹ bầu đáng phải quan tâm. Chảy máu trong tam cá nguyệt thứ ba có thể là dấu hiệu cảnh báo nhau cài răng lược.
Một điều đáng lo lắng cho người mẹ bị nhau cài răng lược là xuất huyết trong khi tách nhau thai (nhau thai bám chắc vào tử cung). Nếu xảy ra tình trạng xuất huyết nặng có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng của thai phụ.
Những mẹ bầu bị nhau cài răng lược có thể bị tổn thương tử cung và các cơ quan trong quá trình bóc nhau thai.
Theo như thông tin đăng trên website bệnh viện Từ Dũ thì: trong trường hợp nghi ngờ nhau cài răng lược trước sanh, phương pháp điều trị triệt để ngày nay cần phải được suy xét. Thuận lợi và bất lợi của mổ lấy thai – cắt hoàn toàn tử cung và điều trị bảo tồn được trình bày rõ ràng cho bệnh nhân và chồng, người phải được tham gia vào các tùy chọn đã được lựa chọn. Trong hiểu biết ngày nay, dường như hợp lý khi đề nghị mổ lấy thai- cắt hoàn tử cung nếu bệnh nhân không muốn có con nữa, lớn tuổi và có nhiều con. Trái lại, nếu bệnh nhân muốn có thai, trẻ tuổi và chưa có con hoặc mới có một con, điều trị bảo tồn được đề nghị
3. Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo là một biến chứng của thai kỳ. Bình thường bánh nhau bám ở đáy tử cung. Còn nhau tiền đạo là bánh nhau nằm ngay cổ tử cung, án ngữ trước lối ra của thai nhi. Tần suất nhau tiền đạo từ 3,5 đến 4,6/1.000 ca sinh sống. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân sinh bệnh của nhau tiền đạo.
Nguyên nhân
- Phụ nữ đã từng có thai trước đó
- Phụ nữ đã từng phẫu thuật tử cung, như nạo thai hay sinh mổ
- Phụ nữ trên 30 tuổi
- Mang thai đôi hoặc đa thai
- Hút thuốc lá
- Cấy trứng đã thụ tinh vào phía dưới thấp của tử cung người mẹ
- Do các bất thường của chính bản thân nhau thai
Nguy cơ
Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu trong ba tháng cuối của thai kỳ, trong chuyển dạ và sau sinh, đồng thời gây nên tình trạng đẻ khó hoặc khả năng điều chỉnh ngôi thai không tốt, tình trạng này làm ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và con.
Đối với mẹ: nguy cơ của nhau tiền đạo là: Xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng, gây choáng mất máu và tử vong ở mẹ, rối loạn đông máu...
Đối với con: thai dễ bị suy do thiếu máu; sinh non tháng, vì khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm. Nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng, xảy ra trước khi thai trưởng thành thì bác sĩ cũng quyết định cho sản phụ sinh sớm để cứu mẹ, vì thế thai non tháng là một lý do chính làm cho tỷ lệ tử vong của con còn khá cao. Tỷ lệ tử vong của con trong nhau tiền đạo kể cả non tháng và đủ tháng chiếm tỉ lệ là 30 – 40%.
Điều trị:
Không có biện pháp điều trị cụ thể nào hơn là theo dõi và chờ đợi. Nếu người mẹ không bị chảy máu thì không cần phải theo dõi đặc biệt. Ngược lại, nếu chảy máu, cần phải nằm nghỉ trên giường và được giám sát chặt chẽ. Khuyến cáo chung là tránh các hoạt động có thể dẫn đến co thắt tử cung như: quan hệ tình dục, kích thích đầu vú, tình trạng cực khoái,kích động cực điểm
Afamily
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn