Tăng cân khi mang thai là một nguyên nhân vì làm tăng sức nặng cho các khớp (đặc biệt là khớp gối và gót chân) khiến khớp dễ bị tổn thương, đặc biệt trong lần mang thai đầu tiên của bạn.
Vị trí khớp đau
Đau khớp có nhiều dạng, có thể là cảm giác cứng khớp, bỏng rát hay đau âm ỉ và những khớp thường bị đau là những vị trí uốn cong của cơ thể như: khuỷu tay, cổ tay, các ngón tay, đầu gối, khớp hông và lưng…
Nguyên nhân đau khớp
Tăng cân khi mang thai là một nguyên nhân vì làm tăng sức nặng cho các khớp (đặc biệt là khớp gối và gót chân) khiến khớp dễ bị tổn thương, đặc biệt trong lần mang thai đầu tiên của bạn.
“Hội chứng ống cổ tay” cũng là hiện tượng thường gặp lúc mang thai. Ngoài lý do tăng cân, sự ứ dịch của cơ thể cũng có thể làm tăng áp lực cho cổ tay, gây đau ở cổ tay và bàn tay.
Gần 50% phụ nữ mang thai than phiền về việc đau khớp cùng - chậu, đặc biệt là vào ba tháng giữa và ba tháng cuối do sự thay đổi nội tiết làm dây chằng của các khớp này mềm ra để khung xương chậu giãn thêm, chuẩn bị cho sự ra đời của em bé. Sự thay đổi làm cho các khớp này di động gây đau.
Có một tỷ lệ rất hiếm thai phụ đau khớp do triệu chứng của bệnh suy tuyến giáp nhưng bệnh này có thể được tầm soát vào giai đoạn sớm của thai kỳ. Nếu được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, bệnh không gây biến chứng cho mẹ và con.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Nếu đau nhiều hoặc có tổn thương khớp, bạn nên gặp bác sĩ ngay. Tuy nhiên, đa số các triệu chứng đau khớp khi mang thai thường không quá trầm trọng, bạn chỉ cần đề cập vấn đề này với bác sĩ khi khám thai.
Nên gặp bác sĩ nếu bạn có tiếp xúc với người hay vật nuôi (thường là chó và mèo) bị nhiễm parvovirus, do một số trường hợp sẽ dẫn tới dị dạng thai nếu nhiễm parvovirus trong ba tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, bệnh này rất hiếm xảy ra ở người lớn, vì đa số người trưởng thành đã có miễn dịch.
Điều trị đau như thế nào?
Thông thường, chỉ cần dùng thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol. Ngoài ra, thai phụ nên nằm nghỉ ngơi nhiều, gác chân cao khi ngủ hoặc không nằm trên giường có nệm quá mềm. Massage nhẹ nhàng các khớp cũng có thể giảm đau đến 90% các trường hợp.
TS-BS Bùi Chí Thương
(Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM)
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn