Bạn tuyệt đối cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì ngay cả những loại thuốc hạ sốt giảm đau thông thường bây giờ cũng có thể có hại cho sức khỏe của mẹ và bé.





Trong thời kỳ mang thai là lúc sức đề kháng cơ thể người mẹ giảm sút hơn bình thường, hơn nữa dưới tác động của các hôcmon thai nghén, những biến đổi về sinh lý trong thời kỳ mang thai làm cho cơ thể người phụ nữ thường nhạy cảm hơn với các yếu tố tác động của môi trường bên ngoài. Do đó cơ thể rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đặc biệt viêm nhiễm đường hô hấp trên, và trong 3 tháng đầu có thai. Hiện tượng ho này thường được các cụ ta ngày xưa gọi là hiện tượng “ho mọc tóc”
Lời khuyên cho mẹ bầu khi bị ho

- Bạn nhất thiết cần khám bác sĩ để có chỉ định y khoa phù hợp. Tuyệt đối không được tự điều trị hoặc tự ý đi mua tại hiệu thuốc. Nếu bạn bị viêm họng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ cho bạn các loại thuốc kháng sinh không có tác dụng phụ lên em bé. Nếu bạn bị viêm họng do virút thì không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần điều trị triệu chứng: sốt, ho, đau họng... Bạn tuyệt đối cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì ngay cả những loại thuốc hạ sốt giảm đau thông thường bây giờ cũng có thể có hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bạn nên kết hợp sát khuẩn vùng họng bằng cách ngậm hoặc súc miệng với nước muối sinh lý mỗi ngày ít nhất 2 lần. Ngay cả khi đã khỏi, bạn cũng nên duy trì thói quen tốt này để phòng chống các bệnh đường hô hấp trên.
- Xông khí dung mũi họng với nước muối sinh lý hoặc tinh dầu bạc hà, hoặc các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có điều kiện, bạn nên mua máy xông khí dung để sử dụng tại nhà, sau này cũng rất tiện cho em bé sử dụng – tất nhiên phải có sự đồng ý của bác sĩ.
Thông thường, ho mọc tóc thường ở dạng nhẹ chỉ làm bà bầu ngứa họng, gây ho khan chứ không gây sốt. Với trường hợp này, mẹ bầu có thể áp dụng một số bài thuốc sau để chữa bệnh:
- Giá đỗ xanh (300 – 500g) đem rửa sạch và giã nát. Sau đó, cho thêm một ít nước đun sôi để nguội vào cùng và chắt lấy nước uống. Nước giá đỗ giúp làm dịu cảm giác đau rát cổ họng do ho.
- Ô mai mơ gừng: mỗi ngày ngậm 5 - 10 quả. Ô mai gừng làm giảm ngứa cổ, giảm ho.
- Lấy một nửa cốc nước nóng và cho thêm một ít muối vào hòa tan. Sau đó, cho nửa thìa bột nghệ vào và khuấy đều lên. Mỗi ngày bạn nên uống 1 lần như vậy và duy trì trong 3 ngày. Cách này giúp bảo vệ họng của bạn khỏi bị viêm nhiễm, gây ho.
- Quất hấp mật ong: Bài thuốc này chắc chắn nhiều mẹ đã từng nghe nói. Bạn chỉ cần chuẩn bị 5 - 6 quả quất (còn nguyên vỏ xanh), cắt thành nhiều miếng nhỏ theo hình tròn rồi đổ mật ong ngập quất và hấp cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm điện. Khi ăn, mẹ bầu không nên ăn quá nhanh mà cần nhâm nhi để nước quất ngấm vào cổ họng. Nên ăn cả nước lẫn cái sẽ nhanh khỏi hơn.
- Mật ong hấp lá hẹ: Chị em lấy 3 - 5 nhánh lá hẹ, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, cho vào bát. Đổ mật ong ngập lá, trộn đều, đem hấp hoặc đun cách thủy cho tới khi lá hẹ nhừ. Hỗn hợp này các mẹ để ấm rồi uống ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 2 - 3 thìa cà phê. Khi uống, có thể thêm một vài hạt muối. Không nuốt ngay, ngậm 5 giây trong miệng, để nước trôi từ từ qua cổ họng, giúp giảm viêm họng, giảm ngứa rát, khản tiếng hiệu quả.
- Quả lê: Lê sau khi gọt vỏ cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn trộn với đường phèn và bỏ vào đun cách thủy, sau đó ăn dần giúp giảm bớt các cơn ho triền miên ở bà bầu.
Biện pháp ngăn ngừa ho khi có thai
- Rửa tay thường xuyên, luôn mang theo mình dung dịch sát khuẩn cho tay để tránh tối đa sự lây nhiễm các loại vi trùng từ môi trường.
- Ăn các thức ăn có tỏi – tất nhiên là nếu bạn có thể – để tăng cường đề kháng. Ngoài ra tỏi còn có công dụng kháng viêm.
- Làm thông thoáng đường thở bằng máy khí dung hoặc đun một nồi nước sôi rồi xông. Hoặc nước muối xịt mũi bán sẵn tại nhà thuốc (Sterimar, Vexim,...)
- Đảm bảo phòng ngủ của bạn luôn có không khí trong lành. Nếu dùng máy lạnh, ban ngày bạn hãy mở cửa cho khí trời vào nhà. Buổi tối đặt một bát nước trong phòng để giữ ẩm cho không khí, tránh để niêm mạc mũi và họng bị quá khô.
Tạp Chí Bầu


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn