Dấu hiệu ban đầu để bạn nhận ra hiện tượng “thai chết lưu” là khi cảm thấy sự di chuyển của bào thai trong bụng mẹ giảm dần hoặc không thể nhận thấy. Các dấu hiệu khác có thể kể đến là liên tục bị chuột rút, đau vùng xương chậu, lưng, bụng dưới, chảy máu âm đạo.
Hiện tượng bào thai đã chết nhưng vẫn lưu lại trong tử cung mẹ được gọi là “thai chết lưu”. Có những bào thai chết lưu và không phát triển được ở bụng mẹ từ những tuần đầu của thai kỳ nên có thể tự triệt tiêu mà đến chính người mẹ cũng không biết. Tuy nhiên vẫn có những bào thai nhiều tuần tuổi mà vẫn có thể bị chết lưu, đe dọa sảy thai, vỡ nước ối sớm dẫn đến những hiện tượng nhiễm trùng, đông máu gây băng huyết trong lúc sảy hoặc đẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng “thai chết lưu” mà chính những nhà khoa học cũng chưa thể chỉ rõ. Chưa có bằng chứng nào để có thể khẳng định được hiện tượng thai chết lưu có thể xảy ra hoặc bỏ qua ở người này hay người kia. Tuy nhiên, với những người mẹ hút thuốc lá, huyết áp cao, tiểu đường… nguy cơ sảy thai, thai chết lưu dễ gặp hơn so với những thai phụ khỏe mạnh, không hút thuốc lá.
Dấu hiệu ban đầu để bạn nhận ra hiện tượng “thai chết lưu” là khi cảm thấy sự di chuyển của bào thai trong bụng mẹ giảm dần hoặc không thể nhận thấy. Các dấu hiệu khác có thể kể đến là liên tục bị chuột rút, đau vùng xương chậu, lưng, bụng dưới, chảy máu âm đạo. Nếu gặp phải những triệu chứng này trong lúc đang mang bầu, bạn phải tới gặp bác sĩ ngay lập tức.
Lúc này, bác sĩ có thể cho bạn đi siêu âm cùng các xét nghiệm khác để phát hiện nhịp tim, sự chuyển động của em bé, những cơn co bóp tử cung… Từ đó sẽ tìm ra được kết quả liệu thai nhi còn hay mất.
Đi tìm nguyên nhân
Nguyên nhân thường gặp nhất ở sẩy thai hoặc thai chết lưu thường do một bất thường ở nhiễm sắc thể ngẫu nhiên xảy ra trong quá trình thụ tinh, có thể được hiểu nôm na là rối loạn nhiễm sắc thể. Hiện tượng này có khả năng do di truyền, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tuổi của mẹ (nhất là với những mẹ sinh con ở tuổi 40).
Các yếu tố khác có thể dẫn đến sảy thai, thai chết chết lưu bao gồm:
· Sự bất thường của tuyến nội tiết ở người mẹ, chẳng như như nội tiết tố tuyến giáp.
· Mẹ bị tiểu đường, cao huyết áp khi mang bầu.
· Ảnh hưởng từ môi trường làm việc (môi trường làm việc phải đối mặt với các nguy cơ từ bức xạ hoặc các tác nhân độc hại khác).
· Một số bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm như giang mai, cúm, sốt rét…
· Có những dấu hiệu bất thường ở tử cung.
· Mẹ có sử dụng một số loại thuốc như thuốc trị mụn trứng cá Accutane ở dạng nặng trong lúc có bầu.
Một số hành vi khác cũng có khả năng làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu là mẹ hút thuốc lá. Chất nicotine trong thuốc được đưa vào thành mạch máu khiến thai nhi nhận được rất ít oxy, gây nguy hiểm đến tính mạng. Rượu, ma túy cũng có thể dẫn đến hiện tượng thai chết lưu, sẩy thai.
Mẹ cần làm gì nếu chẳng may bị sẩy thai hoặc phát hiện ra thai chết lưu?
Tất nhiên bạn phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra trường hợp của mình và xác nhận việc sẩy thai, thai chết lưu là có thực hay không. Trong trường hợp không còn sót lại bất kỳ mô bào thai nào trong tử cung của mẹ (thai thường tự đào thải nếu bị chết lưu hoặc sẩy trong những tuần đầu tiên của thai kỳ), bạn có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe và không cần phải can thiệp hay điều trị gì thêm.
Nhưng nếu tử cung vẫn còn chứa bào thai hoặc các phần sót lại của thai nhi, bác sĩ buộc phải can thiệp để giúp bạn loại bỏ những phần này bằng các phương pháp như dùng thuốc để loại, thải ra các mô, kích thích giãn cổ tử cung, nạo thai…
Nếu mẹ đã từng bị sảy thai nhiều lần, bạn cần phải xét nghiệm, kiểm tra lại toàn bộ sức khỏe để tìm hiểu xem liệu có điều gì bất thường về yếu tố nội tiết, di truyền… hay không.
Có thể hạn chế, phòng tránh các vấn đề về sảy thai, thai chết lưu?
Thực tế, đây là vấn đề khó lường trước và không thể dự báo. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đề phòng những rủi ro với bào thai của mình bằng việc giữ gìn sức khỏe của mẹ và bé trong giai đoạn mang thai:
· Duy trì một chế độ ăn thích hợp với đầy đủ canxi và axit folic
· Tập thể dục bằng những động tác nhẹ nhàng (sau khi được sự đồng ý của bác sĩ).
· Duy trì một trọng lượng vừa phải (những phụ nữ quá béo hoặc quá gầy đều có nguy cơ sấy thai, thai chết lưu).
· Tránh những đồ uống có cồn, cafein.
· Tránh các loại thịt nguội, các loại pho mát dạng mềm như pho mát loại feta.
· Bỏ thuốc lá.
· Thông báo với bác sĩ các loại thuốc hiện thời bạn đang dùng để bác sĩ kiểm lại xem liệu bạn có đươc phép tiếp tục dùng những loại thuốc đó hay không.
· Tránh bị chấn thương vùng bụng.
· Tiêm phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm, tìm hiểu về những bệnh di truyền ở gia đình bạn (nếu có).
· Tới gặp bác sĩ ngay nếu bạn bị sốt, cảm thấy mệt mỏi, phát hiện thai nhi cử động ít hơn, chảy máu, bị chuột rút liên tục…
Nhưng vẫn muốn có em bé…?
Nếu bạn đã từng sảy thai hoặc có thai chết lưu, chắc chắn bạn sẽ phải trải qua một thời kỳ đau buồn vì dù cho em bé chưa được sinh ra nhưng đó cũng là một mất mát lớn đối với cả gia đình. Lúc này, hãy cho mình có nhiều thời gian để có thể hàn gắn vết thương thể chất cũng tinh thần. Các bác sĩ khoa sản khuyên rằng ít nhất bạn phải chờ 3 tháng hoặc nhiều hơn thế để cơ thể hồi phục rồi sau đó mới nên tiếp tục lên kế hoạch sinh con.
Hãy vượt qua thời điểm khó khăn này bằng cách:
· Tìm đọc những câu chuyện về sự thành công của lần mang thai sau đó từ những phụ nữ cũng đã trải qua thời kỳ mất mát như bạn. Nhờ đó, bạn sẽ học hỏi được một số kinh nghiệm của họ và được động viên về mặt tinh thần qua câu chuyện của họ. Bản thân các bác sĩ của bạn cũng có thể là người giới thiệu bạn làm quen với các phụ nữ này để bạn có thể trao đổi và chia sẻ với họ.
· Hãy là người chủ động: Lạc quan không có nghĩa là bạn chối bỏ những điều đã qua để làm lại từ đầu. Hãy nhìn vào thực tế là bạn bạn đã từng bị sảy, hoặc bị thai chết lưu nhưng đừng vì đó mà quá lo lắng. Thực tế là để bạn nhìn nhận được tình trạng sức khỏe của mình, để dựa vào đó có hướng điều trị và phòng tránh thích hợp. Bạn nên chủ động trao đổi với bác sĩ để có được những lời khuyên tốt nhất.
· Khi đã có thai lần nữa, hãy luôn theo dõi từng chuyển động của thai nhi. Ghi lại nhật ký những hoạt động của bé trong bụng mẹ (vào giờ nào, đạp bụng mẹ ra sao…). Nếu thấy điều gì đó bất thường, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.
· Cố gắng để đừng so sánh: Những lần mang thai không hề giống nhau. Bởi vậy, đừng đem lần mang thai trước ra để so sánh với lần mang thai này.
Phương Linh (Tạp Chí Bầu)
Nhanh tay sắm đồ mẹ và bé giá cực rẻ tại https://www.facebook.com/shopbau.vn
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn