Băng huyết sau sinh là một biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong cho người mẹ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp xảy ra đều có thể phòng ngừa
Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở. Riêng số người bị băng huyết sau sinh lên đến hơn 100.000. Tại Việt Nam, tỷ lệ băng huyết sau sinh chiếm từ 3%-8% tổng số sinh. Theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các bà mẹ.
Nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh
- Tử cung không co hồi sau khi sinh: Sau khi bé ra đời, tử cung của người mẹ thường co hồi lại kích thước ban đầu. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, tử cung không co hồi lại được, tình trạng này còn gọi là đờ tử cung, là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến băng huyết. Hiện tượng này xảy ra do đã sinh nhiều lần, do tử cung có u xơ, tử cung dị dạng hoạc tử cung quá căng do đa thai, đa ối, con to. Những ca sinh có chuyển dạ kéo dài, giục sinh lâu với oxytocin hoặc chuyển dạ quá nhanh do cơn co tử cung cường tính, nhiễm trùng ối, thai phụ bị suy nhược, thiếu máu hay gây mê sâu cũng có thể dẫn đến kết cuộc là băng huyết sau khi sinh. Những bất thường của bánh nhau, diện tích bánh nhau lớn, khi bong ra gây chảy máu nhiều cũng có thể gây chảy máu ồ ạt cho người mẹ.
- Bất thường của bánh nhau: Nhau bám thấp, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo thường có khuynh hướng gây chảy máu rất nhiều cho người mẹ.
- Tổn thương đường sinh dục, vỡ tử cung hoặc rách tử cung trong những ca sinh khó.
- Rối loạn đông máu do nhiễm trùng, thuyên tắc ối hoặc hội chứng rối loạn đông máu.
Triệu chứng và hậu quả
Thường người mẹ sẽ bị chảy máu đường sinh dục, chảy máu dẫn đến da xanh, tái, tay chân lạnh, mạch nhanh, khát nước, choáng váng… Biến chứng này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: suy thận, suy cơ quan do giảm tuần hoàn máu, nhiễm trùng hậu sản, thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, không thể có thêm con trong trường hợp cắt tử cung, hội chứng Sheehan dẫn đến suy nhược, mất sữa, vô kinh…
Băng huyết không phải là hiện tượng chảy sản dịch sau khi sinh
Xử trí và phòng ngừa
Băng huyết cần được xử trí nhanh bằng các biện pháp cầm máu. Ngoài ra, sản phụ cần được truyền máu, tiểu cầu… để bù lại lượng máu đã mất và làm đông máu.
Trong trường hợp chảy máu nguy hiểm đến tính mạng, người mẹ có thể cần phải được cắt bỏ tử cung để cứu mạng sống.
Để phòng ngừa, người mẹ cần đi khám thai định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện những nguy cơ và đưa ra những lời khuyên thích hợp. Ngoài ra, cần bổ sung sắt và axít folic đầy đủ trong thai kỳ để phòng ngừa thiếu máu.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn